Điện Biên tìm hướng đi cho sản phẩm đặc trưng vùng miền

Cánh đồng Mường Thanh là vùng chuyên canh trồng lúa lớn nhất của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Cánh đồng Mường Thanh là vùng chuyên canh trồng lúa lớn nhất của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhưng hiện nay, việc phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền, lợi thế của địa phương ở Điện Biên vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.

Điện Biên tìm hướng đi cho sản phẩm đặc trưng vùng miền ảnh 1Cánh đồng Mường Thanh là vùng chuyên canh trồng lúa lớn nhất của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Hơn nữa, việc liên kết trong sản xuất, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy, việc phát triển sản phẩm đặc sản vùng miền tại Điện Biên hiện nay vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Với lợi thế cánh đồng Mường Thanh, một trong những cánh đồng lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc, từ nhiều năm nay, tỉnh Điện Biên luôn xác định việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm gạo Điện Biên.

Đây cũng là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ở Điện Biên lựa chọn để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên hiện nay vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Công ty TNHH thực phẩm Safe Green là đơn vị sản xuất, kinh doanh gạo Điện Biên, từ năm 2017, Công ty đã liên kết với các hộ dân thành lập chuỗi liên kết sản xuất. Đến nay, mô hình liên kết của Công ty có trên 50ha lúa, khoảng 150 hộ dân tham gia, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 400 tấn gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường không chỉ ở Điện Biên mà còn các tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Kạn, Thái Nguyên,…

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safe Green cho biết, đến nay Công ty là đơn vị là đơn vị duy nhất ở tỉnh Điện Biên được cấp chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm gạo là Bắc Thơm số 7 và IR64 nhưng hiện nay, chỉ dẫn địa lý lại mang đến cho Công ty nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo chỉ dẫn địa lý, trên bao bì, sản phẩm của Công ty chỉ được cho phép in chữ hai sản phẩm là IR64 và Bắc Thơm số 7, không được phép sử dụng chữ gạo Điện Biên trên tất cả những bao bì sản phẩm gạo.

Tuy nhiên, hầu hết người dân hiện nay đều đã quen với thương hiệu gạo Điện Biên mà không biết được hai sản phẩm là IR64 và Bắc Thơm số 7 cũng chính là sản phẩm gạo Điện Biên nên rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo bà Hoàng Thị Hiên, hiện nay trên thị trường nhiều đơn vị, hộ kinh doanh không được cấp chỉ dẫn địa lý lại sử dụng thương hiệu gạo Điện Biên tràn lan trên bao bì. Điều đó dễ dẫn đến nhiều sản phẩm kém chất lượng vẫn đội lốt thương hiệu gạo Điện Biên và sẽ làm xấu đi hình ảnh, thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường.

Do đó, tỉnh Điện Biên cần có chế tài phù hợp để bảo vệ cho những đơn vị đã được cấp chỉ dẫn địa lý và xử lý những đơn vị, hộ kinh doanh đang sử dụng tràn lan thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường mà chưa được phép.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện nay tỉnh Điện Biên có khoảng 4.200ha diện tích lúa chất lượng cao trồng tại vùng lòng chảo Điện Biên, tập trung ở 2 giống gạo Bắc Thơm số 7 và IR64 đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Điện Biên" cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra còn có giống gạo nếp tan Na Son (huyện Điện Biên Đông) được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hay nhiều sản phẩm gạo khác như Séng Cù, nếp nương, nếp cẩm đang được người tiêu dùng biết đến và có chỗ đứng trên thị trường.

Ngoài gạo hiện nay Điện Biên cũng có nhiều sản phẩm đặc sản mang tính chất vùng miền khác như: Chè Shan Tuyết cổ thụ Tủa Chùa (597ha), cà phê Arabica huyện Mường Ảng (hơn 3.700ha), bí xanh Tìa Dình huyện Điện Biên Đông hay mật ong, thịt hun khói, thịt sấy khô, chẳm chéo, hạt mắc ca…

Hầu hết các sản phẩm trên đều có các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư sản xuất, kinh doanh vừa để gia tăng giá trị sản phẩm, vừa để quảng bá các giá trị văn hóa, kết nối cộng đồng vùng đồng bào Tây Bắc với người dân các tỉnh trong nước.

Tỉnh Điện Biên đã hình thành 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chứng nhận VietGap cho 112ha. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm năm 2019 đã chứng nhận cho 22 sản phẩm nông nghiệp đặc sản đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cho hay, việc phát triển các sản phẩm đặc sản lợi thế của địa phương hiện nay vẫn chỉ tồn tại ở quy mô nhỏ, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh còn thấp.

Đặc biệt sự liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường. Việc quảng bá, xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức, một số sản phẩm như gạo Điện Biên mặc dù đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể tuy nhiên việc khai thác, bảo vệ thương hiệu chưa được quan tâm.

Ông Bùi Minh Hải cho biết, để phát triển các sản phẩm chủ lực của Điện Biên, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung tuyên truyền vận động nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đầu tư, sản xuất các sản phẩm đặc sản dựa trên lợi thế từng địa phương. Qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị trên thị trường, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất nâng cấp cải tiến trang thiết bị công nghệ bảo quản chế biến, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nhằm nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách, huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; tập trung, lồng ghép các nguồn kinh phí, tránh việc dàn trải và quan tâm hơn đến hỗ trợ các hoạt động đầu tư khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp; quy hoạch duy trì, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung chuyên canh, vùng sản xuất VietGap, hữu cơ, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt là tổ chức lại sản xuất theo hướng có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ; tiếp tục xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, khai thác có hiệu quả thương hiệu sản phẩm được chứng nhận, sản phẩm tạo ra phải đầy đủ tem nhãn, truy xuất được nguồn gốc, hấp dẫn người tiêu dùng.

Định hướng 2021 – 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên xác định có 4 chùm sản phẩm chính trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là phát triển những sản phẩm trong trồng trọt cụ thể là lúa gạo với lợi thế cánh đồng Mường Thanh; phát triển hình thành nên chuỗi các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu các nhà máy đang đầu tư tại tỉnh Sơn La; phát triển sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng xây dựng sản phẩm vùng miền đặc trưng với cây mắc ca và trồng cây dược liệu dưới tán rừng như sa nhân, thảo quả.

Xuân Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm