Anh Phạm Xuân Vinh ở thị trấn Mường Ảng (Điện Biên) đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất trồng cây cà phê sang trồng cam, bước đầu đã cho thu nhập cao hơn so với trồng Cafe. Ảnh: dienbientv.vn |
Cụ thể, định hướng đến năm 2020, tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ với diện tích 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 – 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở huyện Điện Biên 100ha, Mường Ảng 300ha, Tuần Giáo 100ha và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, tỉnh lựa chọn, phát triển một số loại cây ăn quả khác phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long… theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng phương án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và Điện Biên. Hiện tỉnh đã phối hợp cùng với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tiến hành khảo sát và dự kiến đến năm 2021 phát triển khoảng 1.000ha cây chanh leo tại Điện Biên; trong đó, chủ yếu tại địa bàn 3 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và Điện Biên với mô hình cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đây là loại cây được ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người sản xuất. Điện Biên hiện có gần 2.700ha cây ăn quả, chủ yếu tập trung ở các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Ảng, Điện Biên Đông,…; trong đó, diện tích cho thu hoạch gần 2.000ha, sản lượng năm 2018 đạt hơn 19.500 tấn. Các cây ăn quả chiếm diện tích lớn như: cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, dứa. Cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu trồng phân tán, chưa hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chưa mang tính hàng hóa; sản phẩm tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh, được sử dụng dưới dạng quả tươi chưa qua chế biến. Tại Điện Biên hiện cũng chưa có nhà máy chế biến hoa quả.
Xuân Tư