Diễn biến dịch COVID-19 ngày 26/5: Vẫn chưa hạ nhiệt tại Bắc Giang và Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh lập 115 chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN
Thành phố Bắc Ninh lập 115 chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 26/5, Việt Nam ghi nhận thêm 235 ca mắc mới trong nước. Trong đó, Bắc Giang vẫn dẫn đầu với 121 ca mắc, Bắc Ninh 91 ca, Hà Nội 15 ca, Hải Dương 4 ca... Đến tối 26/5, Việt Nam có tổng cộng 4.597 ca ghi nhận trong nước và 1.489 ca nhập cảnh; từ ngày 27/4 đến nay ghi nhận 3.027 ca mắc mới.

Bắc Giang cần quyết đoán mở rộng các khu vực cách ly

Liên quan đến số ca mắc COVID-19 tại Bắc Giang tăng nhanh trong mấy ngày qua, ngày 26/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham gia tại đầu cầu Bắc Giang, họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19, với đầu cầu Văn phòng Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Phó Thủ tướng nhắc nhở tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục tuân thủ tốt các quy định trong cách ly, chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch tại các khu dân cư, khu công nghiệp. Phó Thủ tướng chỉ ra việc giãn cách từ nơi có mật độ dân cư đông đúc trong vùng dịch sang vùng mật độ thấp là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, tỉnh cần quyết đoán hơn nữa trong các kế hoạch mở rộng các khu vực cách ly, bằng mọi cách phải dập dịch triệt để.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ tỉnh có đủ vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch; cố gắng không để xảy ra trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ vùng sản xuất vải thiều; tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thương nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch; ứng dụng công nghệ, nhất là thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản...

Cũng tại Bắc Giang, ngày 26/5, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang điều động lực lượng y tế gồm 400 người (thuộc đoàn chi viện tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh) thực hiện việc test kháng nguyên nhanh thay thế xét nghiệm Realtime-PCR nhằm sàng lọc nhanh những người có nguy cơ cao để khẩn trương có phương án tách ra khỏi cộng đồng. Gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 điểm nóng nhất về dịch COVID-19 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, gồm: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, đã được thực hiện test nhanh.

Chia sẻ về tình hình lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Công ty Hosiden, lây trong khu cách ly với tỷ lệ lên tới 55% bệnh nhân lây nhiễm và các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm chéo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Công ty Hosiden có những người đang là F1 trở thành F0 và những người đang ở khu nhà trọ, trong khu phong tỏa lây nhiễm chéo cho nhau.

Cũng trong sáng 26/5, Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh gồm 13 thành viên đã lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang trong công tác chống dịch COVID-19. Đội có 6 bác sỹ và các điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các khoa: Hô hấp, Cấp cứu, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Truyền nhiễm và các khoa cận lâm sàng khác. Họ đều là những người có năng lực chuyên môn cao, từng chi viện cho các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam trong những đợt dịch COVID-19 trước đây. Lực lượng này sẽ tiếp ứng kịp thời cho Bắc Giang khi có các tình huống xảy ra như bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu, lọc máu, chạy ECMO…

Bắc Ninh có thêm 2 bệnh viện dã chiến

Trong ngày 26/5, Bắc Ninh ghi nhận 91 ca mắc COVIV-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định thành lập thêm hai Bệnh viện dã chiến số 3 và số 4 để tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19, với quy mô 700 giường bệnh.

Theo đó, Bệnh viện dã chiến số 3 đặt tại Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành) với quy mô 200 giường bệnh. Bệnh viện dã chiến số 4 đặt tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) với quy mô 500 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến số 3 và số 4 có nhiệm vụ tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, cách ly, điều trị người bệnh tại chỗ theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, con người tại chỗ, thuốc men tại chỗ và phương tiện tại chỗ); đồng thời xử lý kịp thời không để dịch lây lan trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong.

Bệnh viện dã chiến có 3 khu: Khu vực khám, phân loại và theo dõi bệnh nhân tiếp xúc gần; Khu vực điều trị bệnh nhân dương và Khu vực điều trị bệnh nhân dương tính ổn định.

Thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19

Chiều 26/5, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam (Quỹ) được thành lập nhằm tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

288.000 liều vaccine AstraZeneca về đến Việt Nam

Lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca thứ tư với số lượng 288.000 liều đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất đêm 25/5. Đây là lô vaccine thứ 2 do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC.

Như vậy, đến nay đã có 4 lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2. Lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều. Lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều. Lô mới nhất là 288.000 liều.

Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.034.072 liều cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Tính đến 16 giờ ngày 25/5, các tỉnh, thành phố đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 với 1.034.072 liều cho các đối tượng ưu tiên. Trong đó, 28.503 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm