Phát huy hiệu quả vốn vay, nhiều nông dân tỉnh Nam Định đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.
Bệ đỡ cho nông dân
Từ lợi thế của địa phương, nằm ven sông Ninh Cơ, thuận lợi cho việc nuôi thủy sản, năm 2008, gia đình ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh đấu thầu hơn 4.000 m2 đất ruộng trũng ven đê của xã, cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản. Lúc đầu gia đình ông nuôi thả các giống cá truyền thống như trôi, trắm, chép..., tuy nhiên hiệu quả không cao. Năm 2019, sau khi dành thời gian học hỏi kinh nghiệm ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, gia đình ông chuyển sang nuôi cá chạch và ếch.
Ông Minh cho biết, đây là hai sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiềm năng, chăm sóc khá dễ, tỷ lệ thành công cao. Trung bình mỗi năm gia đình ông thả 2 vụ giống, mỗi vụ 50.000 con cá chạch/6 sào mặt nước và 14.000 con ếch/200m2 ao. Sau 4 tháng chăm sóc cá chạch, 3 tháng chăm sóc ếch sẽ cho thu hoạch. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch khoảng 4 tấn cá chạch và gần 3 tấn ếch, sau khi trừ chi phí, bình quân thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Năm 2023, gia đình ông cùng 6 hộ trong Tổ hợp tác nuôi cá chạch của xã được Hội Nông dân hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với mức 50 triệu đồng/hộ. Từ nguồn vốn vay này, gia đình ông Minh sử dụng để đầu tư thức ăn cho cá, ếch và cải thiện ao nuôi. Ông Minh chia sẻ, ông dự định sẽ xây dựng khu chế biến cá chạch, đầu tư máy móc, nồi kho cá công nghiệp, cung cấp ra thị trường sản phẩm cá chạch kho, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho gia đình. Để làm điều đó, ông mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay nhiều hơn, đa kênh hơn để có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh cho hay, xã có 20 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 15ha. Nhằm hỗ trợ các hộ, Hội Nông dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 7,8 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho nông dân vay vốn với số dư nợ 28 tỷ đồng, cho 89 hộ tại 6 tổ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Từ những nguồn vốn vay trên, các hộ sản xuất, kinh doanh ở địa phương tích cực phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 0,30% theo chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Hiện nay, tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Nam Định, Hội Nông dân đều có Quỹ hỗ trợ nông dân, 209 cơ sở Hội thành lập Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý trên 35 tỷ đồng, cho vay hơn 350 dự án, với 2.063 hộ vay. So với năm 2018, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã tăng trên 11,3 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này, đã có 183 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp được đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Nam Định là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ dư nợ thông qua thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là trên 11.935 tỷ đồng, cho hơn 38.600 hộ vay. Cùng với đó, Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho gần 36.800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với dư nợ trên 1.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định khẳng định, nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và giúp cho hội viên nông dân có nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các dự án được đầu tư vốn đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian tới, để hỗ trợ hội viên nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu, Hội Nông dân tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp tạo cơ chế và nguồn lực về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật để giúp các hộ sản xuất kinh doanh có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Hội Nông dân cũng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên thực hiện cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất, chất lượng làm giàu chính đáng, đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển.
Nguyễn Lành