Dịch COVID-19: Kon Tum bảo vệ “vùng xanh” từ thôn, làng

Lấy mẫu xét nghiệp đối với các trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh 5 người trong một gia đình. Ảnh: TTXVN phát
Lấy mẫu xét nghiệp đối với các trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh 5 người trong một gia đình. Ảnh: TTXVN phát

Nhằm bảo vệ thôn, làng trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương trong tỉnh Kon Tum đã tăng cường quản lý công dân sau cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại nhà. Để bảo vệ “vùng xanh” từ thôn, làng, các địa phương trong tỉnh đã có cách làm riêng cho mình.

Dịch COVID-19: Kon Tum bảo vệ “vùng xanh” từ thôn, làng ảnh 1Tỉnh Kon Tum tổ chức đón người dân đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương trở về theo nguyện vọng. Ảnh minh họa: TTXVN phát


Lập điểm theo dõi sức khỏe tập trung

Ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông cho biết, nhà dân không đáp ứng được các tiêu chí để theo dõi sức khỏe tại nhà nên xã chủ động bố trí theo dõi sức khỏe tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú với sự đồng thuận của người nhà và các trường hợp phải theo dõi sức khỏe.

Đón 16 người dân từ tỉnh Bình Dương về từ cuối tháng 8, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã sớm có giải pháp cho riêng mình với sự đồng thuận từ cộng đồng. Cụ thể, 16 người dân sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung được theo dõi sức khỏe tại trường học, nhà văn hóa thôn để không ảnh hưởng tới cộng đồng.

Tại thành phố Kon Tum, chính quyền xã Ia Chim, Đoàn Kết đã thành lập các điểm theo dõi sức khỏe tập trung tại trường học, điểm sinh hoạt cộng đồng để người dân tiếp tục theo dõi sức khỏe sau cách ly tập trung. Mỗi phòng từ 4-5 người, được kiểm tra sức khỏe hàng ngày, hỗ trợ thêm khẩu phần ăn. Chính quyền còn hỗ trợ thêm 500.000 đồng và 20 kg gạo cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc thiểu số có công dân đang theo dõi sức khỏe sau cách ly. Nhờ cách làm trên mà xã Ia Chim đã phát hiện một trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian theo dõi sức khỏe sau cách ly.

Đối với huyện vùng biên Ngọc Hồi, người dân vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện để theo dõi sức khỏe tại nên chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động bà con theo dõi sức khỏe tại các điểm tập trung. Theo đó, Trung tâm y tế huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện thực hiện cách ly tập trung tại các nhà trọ, điểm trường, nhà rông, nhà văn hóa… Các công dân trong thời gian theo dõi sức khỏe được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu để phòng dịch.

“Lá chắn” từ cơ sở

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương của Kon Tum luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xem đây là giải pháp tốt để nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, vai trò của Tổ công tác cộng đồng đặc biệt được quan tâm, là “lá chắn” từ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19: Kon Tum bảo vệ “vùng xanh” từ thôn, làng ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệp đối với các trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh 5 người trong một gia đình. Ảnh: TTXVN phát

Bà Y Dim, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết, các Tổ công tác cộng đồng có trách nhiệm giám sát công tác phòng dịch của tất cả các thôn trên địa bàn xã; tham gia giám sát công dân ở ngoài tỉnh về hoặc người ngoài vào thôn, làng; theo dõi, quản lý quy định về cách ly đối với người về từ vùng dịch...

Là địa bàn có đường sông dài giáp tỉnh Gia Lai, nơi dịch diễn biến rất phức tạp, vai trò của 298 Tổ công tác cộng đồng với gần 1.000 người tham gia của huyện Sa Thầy đã phát huy tốt hiệu quả. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, tùy địa bàn, mỗi thành viên trong Tổ công tác cộng đồng sẽ phụ trách từ 10-20 hộ gia đình. Nhờ sự tham mưu của Tổ công tác cộng đồng, huyện đã khoanh vùng, không để 7 ca F0 tái dương tính lây lan ra cộng đồng. Các trường hợp khai báo không trung thực đều được Tổ công tác cộng đồng phát hiện.

Dịch COVID-19: Kon Tum bảo vệ “vùng xanh” từ thôn, làng ảnh 3Nhập mô tả cho ảnhLực lượng chức năng phong toả kiểm soát dịch COVID-19 tại thôn 5, xã Hà Mòn. Ảnh: TTXVN phát

Toàn tỉnh Kon Tum đã thành lập gần 2.800 Tổ công tác cộng đồng, mỗi tổ có từ 2 đến 3 thành viên là cán bộ thôn, làng, tổ dân phố, đoàn thể, tình nguyện viên và có trách nhiệm phụ trách từ 10 hộ gia đình trở lên. Các Tổ công tác cộng đồng là “lá chắn” trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, tổ chức truy vết, kiểm soát những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là điểm sáng trong công tác phòng dịch của Kon Tum.

Đến ngày 1/11, toàn tỉnh Kon Tum có 266 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 244 ca phát hiện tại cơ sở, nơi cách ly và 22 ca phát hiện tại cộng đồng.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm