Dịch COVID-19: Chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm biến chủng Omicron

Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 28/12 đến 16 giờ ngày 29/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 17.000 ca mắc mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.107 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố; có 11.404 ca trong cộng đồng. Hà Nội liên tiếp là địa phương có số mắc cao nhất cả nước với 1.866 ca.

Dịch COVID-19: Chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm biến chủng Omicron ảnh 1 Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN  

Ngày 30/12/2021, Sở Y tế Cà Mau đăng ký bổ sung 2.868 ca mắc tại Cà Mau trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin của người nhiễm.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (397 ca), Vĩnh Long (331 ca), Đắk Lắk (144 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (704 ca), Hải Phòng (567 ca), Trà Vinh (242 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.289 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.714.742 ca mắc, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.383 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.709.042 ca.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 34.102 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.336.644 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.336 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 227 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.168 ca, chiếm 1,9% so với tổng số ca mắc.

39 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19


Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế cho biết, ngày 17/12, Bộ đã ban hành Công văn số 10722/BYT-DP gửi các đơn vị về hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại; để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản. Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.

Về tiêm mũi 3, đến nay đã có 39 tỉnh, thành phố triển khai tiêm, trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam tiêm nhiều nhất với hơn 1,2 triệu liều, tiếp theo là miền Bắc với hơn 720.000 liều, các tỉnh miền Trung đứng thứ 3 với hơn 45.000 liều và khu vực Tây Nguyên gần 800 liều.

Bộ Y tế vừa tiếp nhận 100.000 liều vaccine Sputnik Light do Chính phủ Liên Bang Nga hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nga đã viện trợ cho Việt Nam 100.000 liều vaccine Sputnik Light. Đồng thời sẽ sử dụng món quà viện trợ này của Nga một cách phù hợp nhất, căn cứ theo tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp tại Việt Nam.

Tăng cường kiểm soát biến chủng mới Omicron

Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 47.025 ca, trong đó 16.800 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, 30.225 ca đã được cách ly.

Để chủ động giám sát phát hiện sớm biến chủng Omicron, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã lấy mẫu trên các bệnh nhân có kết quả RT- PCR dương tính, gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen. Kết quả cho thấy 15/22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến chủng Omicron (7 mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gen). Các mẫu thuộc biến chủng Delta phân bố tại các quận, huyện: Chương Mỹ, Đống Đa, Quốc Oai, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có chỉ đạo các đơn vị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chủ động giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như các quốc gia khu vực Nam châu Phi và một số quốc gia khu vực châu Âu, thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định. Thường xuyên theo dõi sát, cập nhật các thông tin khoa học và khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn y tế uy tín trong nước và quốc tế về biến chủng Omicron và các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch, phương pháp điều trị để báo cáo, tham mưu cho thành phố triển khai phù hợp, kịp thời.

Do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên thành phố Hà Nội không tổ chức chương trình đếm ngược thời gian cũng như các chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật ngoài trời chào năm mới 2022. Ngành văn hóa Thủ đô sẽ tổ chức một số hoạt động trực tuyến để chào đón năm mới, quay trước chương trình biểu diễn nghệ thuật "Rực rỡ sắc Xuân" để phát trên Đài Truyền hình Hà Nội vào tối 31/12. Thành phố Hà Nội vận động các tổ chức, cá nhân trang trí chiếu sáng khu đô thị, mặt tiền trụ sở tòa nhà, khách sạn, trung tâm thương mại.

Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ tổ chức chương trình đếm ngược đón năm 2022 mà không mời đại biểu và khán giả tham dự. Thay vào đó, chương trình sẽ trực tiếp qua truyền hình, truyền thanh, trực tuyến trên các hạ tầng truyền thông xã hội.

Tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn trong những ngày gần đây tiếp tục lạc quan, khi số ca nhập viện, số ca tử vong liên tục giảm dần. Hiện Thành phố đang điều trị 7.021 bệnh nhân, trong đó, có 205 trẻ em dưới 16 tuổi, 375 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Liên quan đến biến chủng mới Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở Y tế đã họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương lên phương án ứng phó; đồng thời giám sát chặt người nước ngoài nhập cảnh thành phố. Khi có trường hợp xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang giải mã trình tự gen để tầm soát biến chủng. Bệnh viện Dã chiến số 12 ở thành phố Thủ Đức sẽ là nơi tiếp nhận điều trị thu dung với đối tượng nghi ngờ hoặc nhiễm biến chủng này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình UBND thành phố đề xuất chính sách chăm lo người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ cho hơn 380 người già neo đơn và hơn 2.200 trẻ mồ côi do dịch COVID-19 khoảng 16,8 tỷ đồng mỗi năm.

Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Giám đốc, Chủ các cơ sở kinh doanh - dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, khu điểm du lịch, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn trên địa bàn thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt là kiểm soát biến chủng Omicron của SARS-CoV2; bảo đảm việc đón và phục vụ khách chu đáo, an toàn, tuân thủ pháp luật; tạo dựng môi trường du lịch ổn định, lành mạnh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, khu điểm du lịch, cơ sở dịch vụ cần căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương nơi đặt trụ sở hoạt động kinh doanh để cân nhắc, xem xét giảm quy mô hoặc dừng tổ chức sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo; đặc biệt những sự kiện tập trung trên 300 người. Khi tổ chức các hoạt động phải có kế hoạch đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch và phương án xử lý cụ thể theo từng tình huống và có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra…

Theo Sở Y tế Phú Thọ, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 30/12/2021, tỉnh ghi nhận 80 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 104 ca. Sau nhiều ngày số ca mắc mới COVID-19 giảm mạnh, những ngày gần đây số ca mắc mới lại tăng trở lại. Hiện Phú Thọ đang đẩy mạnh lập danh sách tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn. Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành tiêm mũi thứ 3 cho khoảng 157.540 người, trong đó, 116.302 người thuộc nhóm nguy cơ cao; 41.238 người thuộc nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm