Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 17/9 đến 17 giờ ngày 18/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 9.360 ca ghi nhận trong nước, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh (4.237 ca), Bình Dương (2.877 ca), Đồng Nai (939 ca)…; có 4.827 ca trong cộng đồng.
Như vậy, so với ngày 17/9, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 2.146 ca, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.735 ca, Bình Dương giảm 1.136 ca, Đồng Nai tăng 594 ca, Long An giảm 37 ca, Tiền Giang tăng 79 ca.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 677.023 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.881 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 18/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 14.903 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 448.368 ca.
Trong ngày đã ghi nhận 220 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày 17/9 có 452.817 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, đã có tổng số 33.555.359 liều vaccine đã được tiêm, trong đó 27.208.264 liều 1 mũi và 6.347.095 liều mũi 2.
4.000 công dân nước ngoài được tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nhằm thực hiện mục tiêu 100% người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm chuẩn bị mọi mặt cho công tác tiêm chủng.
Riêng đối với nguồn nhân lực, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã chuẩn bị phương án kích hoạt 30 dây chuyền tiêm. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Hữu nghị quốc tế Hà Nội chuẩn bị nhân lực sẵn sàng phục vụ công tác trực cấp cứu, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thực hiện tiêm chủng.
Theo đó, người nước ngoài được lập danh sách tiêm chủng thông qua Hiệp hội quản lý người nước ngoài, các tổ chức, đại sứ quán và công an.
Từ 14 giờ ngày 15/9, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố.
Địa điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người nước ngoài bố trí tại sảnh B, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Từ ngày 15-18/9 đã có khoảng 4.000 công dân nước ngoài được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã triển khai 8 dây chuyền tiêm. Trước khi tiêm, các công dân nước ngoài được khám sàng lọc: đo thân nhiệt, huyết áp, khai báo tiền sử bệnh lý và được bác sĩ thăm khám, tư vấn chu đáo.
Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến sáng 17/9, Hà Nội đã tiêm được hơn 6,25 triệu mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó, 5,57 triệu mũi 1 và gần 682.000 mũi 2. Số liệu này bao gồm vaccine được tiêm bởi các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn và ngành Y tế Hà Nội.
Như vậy, với dân số từ 18 tuổi trở lên là 5,75 triệu người (như công bố trên Cổng thông tin tiêm chủng), đến nay, đã có gần 97% người dân Hà Nội đã được tiêm vaccine COVID-19 ít nhất 1 mũi. Đặc biệt, trong 8 ngày, từ 9-16/9, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm lượng vaccine cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại.
Có hay không việc để vaccine COVID-19 hết hạn ở Bình Dương
Ngày 18/9, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định không có việc cơ quan này để vaccine COVID-19 Moderna hết hạn sử dụng mà không tiêm cho người dân như hiểu nhầm trong công văn số 2215/SYT-NVT ngày 14/9.
Trước đó, ngày 14/9 trong văn bản của Sở Y tế gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bình Dương, các đơn vị tiêm chủng đề xuất tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna có đoạn "Vaccine Moderna do Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương đợt 11 và 14 đã hết hạn sử dụng ngày 4/9/2021 (vaccine sau khi rã đông sử dụng 30 ngày ở nhiệt độ từ 2-8 độ C). Vì vậy, Sở Y tế đề nghị các đơn vị có thể sử dụng vaccine Pfizer tiêm mũi 2 đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna".
Sau khi văn bản phát hành này, dư luận và người dân tại Bình Dương đã chưa rõ và có những bức xúc với cơ quan Y tế vì để vaccine Moderna hết hạn sử dụng mà không tiêm cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở y tế tỉnh Bình Dương cho biết đoạn văn bản trên chỉ là câu dẫn của ông, nhưng vào văn bản thì "không được rõ nghĩa". Câu này nhằm mục đích giải thích, làm cơ sở cho việc đề xuất tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna. Ông cho biết, lô vaccine Moderna này đã tiêm hết từ tháng 8/2021 và đến nay chưa có vaccine cùng loại để tiêm mũi 2 nên Sở Y tế Bình Dương đã đề nghị tiêm vaccine Pfizer để thay thế.
Trong sáng 18/9, Sở Y tế đã ra công văn số 2281/SYT-NVT thay thế cho công văn 2215. Nội dung văn bản 2281 nói rõ, "Vaccine Moderna Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh Bình Dương đợt 11 và đợt 14 đã được tiêm hết mũi 1 cho dân theo đúng tiến độ của Sở Y tế đề ra”.
Phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Abdala
Bộ Y tế có Quyết định số 4471/QĐ-BYT ngày 17/9/2021 về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, vaccine Abdala được phê duyệt theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Theo văn bản, vaccine này sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA – Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học (CIGB) – Cuba.
Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị phê duyệt vaccine này.
Vaccine Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.
Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Abdala theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Như vậy, hiện Việt Nam có 8 loại vaccine phòng COVID-19 đã được cấp phép sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh, gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất), Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya), COVID-19 Vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm), Hayat - Vax và vaccine Abdala.
PV