Dịch COVID-19: Sân khấu kịch Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh tạo không khí và cảm hứng mới

Dịch COVID-19: Sân khấu kịch Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh tạo không khí và cảm hứng mới

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trước thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, các sân khấu xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không ngừng cố gắng tiếp tục duy trì hoạt động; đồng thời tìm cho mình những hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch để đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ, khán giả.

Dịch COVID-19: Sân khấu kịch Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh tạo không khí và cảm hứng mới ảnh 1Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Từ trên 10 điểm diễn, hiện Thành phố chỉ còn lại một số sân khấu “sáng đèn” dịp Tết với số kịch mục khá khiêm tốn gồm: Sân khấu Idecaf, sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ, sân khấu Thế Giới Trẻ…

Trong đó, chiếm áp đảo trên hầu hết các điểm diễn là những vở kịch nói mang màu sắc tuồng cổ, kiếm hiệp, cải lương, hài dân gian... Phần lớn đây là các vở cũ dựng lại để bảo đảm vừa nhanh lại vừa an toàn.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng rút ngắn số lượng kịch mục, chỉ ra mắt khán giả vở “Người yêu đảo chúa” vào mùng 7 Tết với sự tham gia của các diễn viên của 2 đoàn nhà hát như: Lê Tứ, Tú Sương, Tâm Tâm, Lê Hồng Thắm, Nhã Thi, Minh Trường, Hà Như... 

Nối tiếp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu xã hội hóa Chí Linh - Vân Hà cũng công diễn lại vở “Tứ tử đậu tân khoa” vào mùng 8 Tết. Mùng 9, đoàn 1 của nhà hát diễn lại vở ăn khách “Tướng cướp Bạch Hải Đường”.

Sau khi ra mắt vào ngày 30/1 tại nhà hát Bến Thành (Quận 1), vở cải lương kinh điển “Nàng Xê Đa” - điểm sáng mới mẻ của sân khấu Đại Việt sẽ diễn phục vụ khán giả tại nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào mùng 10 Tết. “Nàng Xê Đa” là vở diễn được đầu tư và có quá trình tập luyện gần 2 tháng dưới sự chỉ đạo, dàn dựng của đạo diễn Hoa Hạ.

Dù mới hoạt động từ đầu tháng 10/2020 nhưng trong mùa Tết năm nay, sân khấu Sen Việt “phủ sóng” với lịch diễn trải dài từ mùng 1 đến mùng 7 Tết, luân phiên diễn các kịch bản: “Cưới vợ năm Sửu”, “Ngôi hoàng hậu”, “Lộc phát tài”, “Nhật thực”. Đây là các vở kịch mang màu sắc vui tươi, mới mẻ, phù hợp không khí giải trí trong Xuân mới.

Theo ông Lê Nguyên Đạt - Giám đốc sân khấu Sen Việt, do tình hình dịch bùng phát trở lại, việc bảo đảm để vở diễn ra rạp đúng hẹn và an toàn cho người dân khi tới rạp được đặt lên hàng đầu. Hiện, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn đang tranh thủ tập luyện, lên “dây cót” để hoàn thiện các vở diễn cho dịp Tết và mong nhận được nhiều sự đón nhận từ khán giả Thành phố.

Bên cạnh đó, nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ đã có kế hoạch sáng đèn với hai vở diễn chủ đạo “Tin thì linh, không tin cũng linh” và “Đẹp lắm nha” từ mùng 1 đến mùng 10 Tết Tân Sửu với tần suất từ 1 đến 2 suất chiếu mỗi ngày.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên - Giám đốc nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ, đơn vị luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các vở diễn vẫn sẽ sáng đèn và trong tinh thần phòng ngừa cao nhất.

Trước mỗi suất diễn, lực lượng bảo vệ sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn như: Phun khử khuẩn toàn bộ khán phòng, đo thân nhiệt; đồng thời nhắc nhở khán giả xem kịch có ý thức tự bảo vệ bản thân, chuẩn bị khẩu trang đầy đủ và rửa tay sát khuẩn trước khi vào xem.

Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên cho biết, trong mùa Tết này, rất nhiều vở diễn, các nghệ sĩ phải tự đứng ra bán vé nên khâu bán vé phục vụ khán giả cũng hết sức linh động. Kênh phổ biến hiện nay là các nghệ sĩ tự kêu gọi mua vé và đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại qua trang cá nhân.

Tương tự, theo nghệ sĩ Bình Tinh - Quản lý của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, đoàn vốn không có điểm diễn ổn định nên vé bán ra thường phải qua hệ thống online hoặc trang cá nhân của các nghệ sĩ. Với cách bán vé này, vé cho đêm diễn mùng 9 của đoàn đã được mua hết. Đây cũng là tín hiệu vui cho những ngày đầu Xuân năm mới, tiếp thêm động lực cho các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, các vở diễn cải lương, kịch nói sắp ra mắt công chúng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu gặp khó khăn gấp nhiều lần.

Qua đó, thay vì thấp thỏm, lo lắng, việc chăm chút cho kịch Tết cũng là một cách để tạo cảm hứng cho năm mới, các văn, nghệ sĩ sẽ có nhiều động lực, mở đường cho những sáng tạo mới để sân khấu hấp dẫn, đến gần với công chúng hơn.

Dù vẫn còn đứng trước nhiều thách thức nhưng hy vọng năm mới 2021, các đơn vị sân khấu tại Thành phố sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực “sáng đèn”, để khán giả tìm đến như một kênh nguồn không chỉ giải trí mà còn được chiêm nghiệm cuộc sống một cách hữu ích.

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để các đơn vị có thêm sức mạnh cùng nhau vực dậy hoạt động sân khấu của Thành phố và tìm lại ánh hào quang cho sân khấu trong thời gian tới./.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm