Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.796 ca nhiễm mới, trong đó 44 ca nhập cảnh và 12.752 ca trong nước.
Tỉnh Bình Dương đang có số ca mắc nhiều nhất (5.414), Thành phố Hồ Chí Minh (4.957), Long An (533), Đồng Nai (377), Tây Ninh (234), Tiền Giang (155), Hà Nội (133), Đà Nẵng (106), An Giang (103), Đồng Tháp (93), Khánh Hòa (92), Bình Thuận (78), Quảng Bình (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (55), Đắk Lắk (52), Nghệ An (50), Cần Thơ (37), Kiên Giang (29), Bến Tre (22), Phú Yên (21), Trà Vinh (20), Bình Phước (18), Quảng Ngãi (14), Bình Định (13), Bạc Liêu (12), Sơn La, Hậu Giang, Thanh Hóa (mỗi địa phương 11), Thừa Thiên Huế (7), Ninh Thuận, Lâm Đồng (mỗi địa phương 6), Cà Mau, Vĩnh Long (mỗi địa phương 5), Gia Lai, Quảng Nam (mỗi địa phương 3), Đắk Nông, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Lào Cai (mỗi địa phương 2); trong đó có 5.712 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 655 ca. Tại Bình Dương tăng 1.365 ca, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 524 ca, Long An tăng 82 ca, Đồng Nai giảm 420 ca, Tây Ninh tăng 234 ca.
Từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 435.265 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.426 ca nhiễm).
Trong dợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 431.072, trong đó có 217.028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
Bốn tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (209.921), Bình Dương (104.208), Đồng Nai (22.641), Long An (20.933), Tiền Giang (9.217).
Ngày 29/8, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 8.813 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 219.802 ca.
Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.309 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ 4.069 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC 1.221 ca; Thở máy không xâm lấn 118 ca; Thở máy xâm lấn 877 ca; ECMO: 24 ca
Ngày 29/8, Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 344 ca tử vong. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh (256), Bình Dương (31), Tiền Giang ngày 28-29/8 (18), Long An ngày 28-29/8 (13), Đồng Nai (5), Kiên Giang, Vĩnh Long (mỗi địa phương 4), Đà Nẵng, Đồng Tháp (mỗi địa phương 3), Tây Ninh ngày 28-29/8 (3), Khánh Hòa , Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc (mỗi địa phương 1).
Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 10.749 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 568.545 xét nghiệm cho 668.793 lượt người; từ ngày 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 12.715.682 mẫu cho 32.116.373 lượt người.
Trong ngày 28/8, có 261.692 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.
Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế quy định F0 đủ các điều kiện dưới đây sẽ được cơ quan có trách nhiệm ra quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:
Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, gồm: Không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút; Độ tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi; Bệnh, thể trạng kèm theo: Không có bệnh nền; Không đang mang thai.
Bên cạnh đó để được cách ly, theo dõi tại nhà, F0 cần có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…; Biết cách đo thân nhiệt; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…; Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Nếu người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình bệnh nhân phải có người khỏe mạnh, đủ kiến thức chăm sóc F0, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng yêu cầu hạn chế người chăm sóc.
Đồng thời, khi trong gia đình có người mắc COVID-19, các thành viên phải tự cách ly tại nhà để tránh lan cho cộng đồng, bởi lúc này, họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.
Với những gia đình có F0 cách ly tại nhà, không cần lo lắng, tích trữ thực phẩm. Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình bệnh nhân trong thời gian cách ly tại nhà.
PV