Thông tin từ Bộ Y tế ngày 19/7 cho biết: Ngày 19/7, nước ta ghi nhận 1.096 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 10.762.532 ca mắc, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.575 ca mắc).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc. kcb. vn), số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 5.217 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi lên 9.823.574 ca.
Hiện còn 41 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 31 ca thở ô xy qua mặt nạ; 4 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 1 ca thở máy không xâm lấn và 5 ca thở máy xâm lấn.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 18/7 đến 17 giờ 30 phút ngày 19/7, nước ta không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.091 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 18/7, cả nước có thêm 371.709 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 239.615.795 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 209.759.263 liều (mũi 1 là 71.299.002 liều; mũi 2 là 68.827.859 liều; mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.511.963 liều; mũi bổ sung là 14.046.385 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 47.087.754 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 6.986.300 liều).
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 19.516.697 liều (mũi 1 là 9.022.082 liều; mũi 2 là 8.681.661 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 1.812.954 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 10.339.835 liều (mũi 1 là 7.071.687 liều; mũi 2 là 3.268.148 liều).
Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ trước nguy cơ bệnh trở nặng.
Tại Việt Nam, từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.
Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ. Từ đó, toàn ngành chủ động nhiều giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và xây dựng, triển khai kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Y tế khuyến các các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ; tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học; tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
PV