Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây tại Chile - một trong những quốc gia có tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất ở Nam Mỹ, cho thấy chỉ tiêm một mũi đầu tiên sẽ không giúp bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2.
Theo nghiên cứu của Đại học Chile, hiệu lực bảo vệ của vaccine sau hai tuần đầu kể từ khi tiêm mũi thứ hai là 56,5%, trong khi tỷ lệ này trong hai tuần đầu tiên sau khi tiêm chỉ là 27,7%. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một mũi đầu tiên, hiệu quả phòng bệnh trong vòng 28 ngày sau mũi đầu cho đến khi tiêm mũi thứ hai chỉ ở mức 3%.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét hiệu quả tổng hợp của vaccine Coronavac của Sinovac (Trung Quốc) - chiếm khoảng 93% số liều được tiêm ở Chile, và vaccine Pfizer/BioNTech do Mỹ và Đức phối hợp phát triển. Ước tính hiệu quả của vaccine Coronavac trong điều kiện thực tế là 54% - giống kết quả thử nghiệm ở Brazil. Trong khi đó, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả bảo vệ khoảng 94% theo kết quả một nghiên cứu của Israel.
Phát biểu họp báo, Hiệu trưởng Đại học Chile Ennio Vivaldi cho biết tiêm vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một mũi vaccine đầu tiên, hiệu quả phòng bệnh sẽ không thể có sau 4 tuần, đồng nghĩa người tiêm vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh như một người không tiêm chủng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ở nhóm người từ 75 đến 79 tuổi - đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm chủng đầu tiên, tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng 80% nếu không tiêm vaccine. Đối với nhóm người trong độ tuổi 70-74, tỷ lệ này giảm xuống còn 60%.
Cho đến nay, tại Chile có 7,07 triệu người được tiêm vaccine mũi đầu tiên và 4,04 triệu người được tiêm đầy đủ cả hai mũi trong số 15,2 triệu người đủ điều kiện tiêm chủng. Giống như các nước khác trong khu vực Mỹ Latinh, Chile đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt và hiện đã vượt tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày ghi nhận trong làn sóng dịch đầu tiên vào năm ngoái, với hơn 8.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Phan An