Đề xuất giải pháp phát triển xã hội vùng biên giới đất liền hiệu quả và bền vững

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển xã hội vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình "Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay".

hoithaobiengoi.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: vass.gov.vn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại biểu xác định những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế đất liền trong những năm vừa qua; những thách thức, trở ngại trong phát triển kinh tế ở vùng biên giới điều kiện hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền một cách hiệu quả và bền vững.

Tiến sĩ Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, Phó Chủ nhiệm Chương trình đánh giá, vùng biên giới đất liền của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, các vấn đề về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn văn hóa, tôn giáo và tăng cường đoàn kết dân tộc đã được chú trọng. Nhờ vậy, điều kiện sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân và cơ hội việc làm tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Tá Khánh, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế và giáo dục đã được cải thiện, với nhiều chương trình hỗ trợ tiêm chủng và khám chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục và hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số. Quan hệ tộc người và các hoạt động tôn giáo tại vùng biên giới cũng được duy trì ổn định và phối hợp chặt chẽ với chính quyền.

Tuy nhiên, vùng biên giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức như khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khó khăn trong cơ sở y tế và giáo dục. Quan hệ tộc người và các hoạt động tôn giáo vẫn cần đặc biệt quan tâm và có chính sách hỗ trợ riêng cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

vna_potal_du_lich_viet_nam_bao_ton_van_hoa_truyen_thong_de_phat_trien_du_lich_cong_dong_tai_cao_bang_7465040.jpg
Với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tạo sinh kế mới cho nhân dân vùng biên giới ở tỉnh Cao Bằng đã và đang được các cấp chính quyền quan tâm đặc biệt. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Mông, Lô Lô….tại các bản làng ven biên giới đã hình thành nên mô hình các làng du lịch cộng đồng, giúp Cao Bằng trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Chị Mạc Thị Khon chuẩn bị đón khách tại ngôi nhà truyền thống của gia đình được cải tạo làm homestay (làng đá cổ Khuổi Ky - Trùng Khánh). Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Chia sẻ về vấn đề xóa đói, giảm nghèo ở một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Mai, Viện Nghiên cứu Con người cho biết, xóa đói, giảm nghèo vùng biên giới là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Việc này không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn đặc biệt quan trọng trong công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước. Các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc đã tích cực thực hiện các chiến lược, chính sách và chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2018-2022 và đạt được những kết quả nhất định.

Tiến sĩ Hoa Mai cho rằng, các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; đặc biệt cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp các chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để tránh chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả. Mục tiêu là phát triển bền vững, nâng cao mức sống tối thiểu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân vùng biên cương, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Tiến sĩ Lý Hoàng Mai, Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ kết quả khảo sát tại 4 tỉnh biên giới đất liền cho thấy người dân sử dụng khá ít dịch vụ khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe tại trạm y tế xã/phường. Đây là một thực trạng đáng chú ý, vì trạm y tế xã, thị trấn là cơ sở y tế gần dân nhất, có thể kịp thời khám và chữa bệnh cho người dân, nhất là ở các xã vùng biên giới, nơi rất xa bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Bên cạnh đó vẫn còn một tỷ lệ đáng kể người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe của thầy lang/thầy cúng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân và là một đặc thù của y tế vùng biên giới đất liền.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những thách thức, trở ngại trong phát triển xã hội ở từng vùng biên giới, trong từng lĩnh vực cụ thể như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, dân tộc, văn hóa, tôn giáo; nhận diện tiềm năng phát triển vùng biên giới trên đất liền tính đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát triển xã hội ở vùng biên giới đất liền hiệu quả và bền vững.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm