Ngày 5/7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: "Phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình: "Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại biểu xác định những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế đất liền trong những năm vừa qua; những thách thức, trở ngại trong phát triển kinh tế ở vùng biên giới điều kiện hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền một cách hiệu quả và bền vững.
Tiến sĩ Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, Phó Chủ nhiệm Chương trình, đánh giá, vùng biên giới có vị trí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ, ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Nhờ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, vùng biên giới đã có nhiều biến đổi sâu sắc nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: Kinh tế kém phát triển, đời sống người dân khó khăn, cơ sở hạ tầng hạn chế. Nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa trình độ phát triển kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ nghèo cao, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. Người dân ở vùng biên giới chủ yếu mưu sinh dựa vào nông, lâm nghiệp và các hoạt động tự nhiên. Ở một số khu vực biên giới có hoạt động giao thương nhộn nhịp, vẫn còn hiện tượng người dân tham gia buôn lậu, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội. Mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng cơ sở hạ tầng kinh tế ở vùng biên giới vẫn còn nhiều hạn chế. Kết nối giao thông giữa Việt Nam và các nước láng giềng còn gặp nhiều khó khăn...
Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Tá Khánh, những năm qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế xuyên biên giới chưa mang lại hiệu quả nổi bật. Các nước láng giềng có trình độ phát triển kinh tế không đồng đều, đòi hỏi Việt Nam cần xác định điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức trong quan hệ kinh tế với từng nước; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cho các địa phương biên giới. Các vùng biên giới đất liền có địa hình, thổ nhưỡng và thời tiết khác nhau, phần lớn là vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với văn hóa đa dạng. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương cần tìm ra các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra nhiều mô hình hay và các hạn chế, khó khăn, thách thức.
Chia sẻ về hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền, phát triển hành lang kinh tế xuyên biên giới Việt Nam, Lào, Thái Lan, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thiết lập các hành lang kinh tế nhằm thúc đẩy liên kết vùng và quốc gia thông qua tuyến giao thông và chính sách thương mại, đầu tư. Điều kiện cần thiết để thiết lập được các hành lang này là phát triển tuyến giao thông gắn kết hoạt động kinh tế, tập trung dân cư và ý chí chính trị từ các cơ quan địa phương. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy được hiệu quả của hành lang kinh tế nhưng cần sự đồng thuận chính trị và cải thiện hạ tầng giao thông. Nếu có được những yếu tố trên, hành lang này sẽ kết nối các địa phương, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch. Tuy nhiên, cũng đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế địa phương khó khăn, tốc độ chuyển dịch cơ cấu chậm, quy mô thị trường nhỏ và cơ sở hạ tầng còn yếu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho biết thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; đồng thời, chỉ ra các thách thức trong quá trình đó đối với khu vực Nam Bộ như phụ thuộc vào nông nghiệp, biến đổi khí hậu và chất lượng đất giảm. Mặc dù khu vực này có tiềm năng phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế cửa khẩu, người dân vẫn gặp khó khăn do giá cả nông sản biến động và chi phí sản xuất cao. Do đó, cần đa dạng hóa sinh kế, phát triển các ngành kinh tế mới và tận dụng lợi thế cửa khẩu để giảm rủi ro và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đánh giá kết quả thương mại và thị trường ở miền núi, vùng cao và biên giới Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, Tiến sĩ Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách, Bộ Công Thương, thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, và Campuchia đã có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn còn một số hạn chế như cơ sở hạ tầng kém, thu nhập dân cư thấp và chưa khai thác hết tiềm năng. Để phát triển kinh tế biên giới bền vững, Tiến sĩ Doãn Công Khánh đề xuất các giải pháp như đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế, và xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới…
Tại hội thảo, đại biểu đã thảo luận và cung cấp luận cứ khoa học cùng kinh nghiệm quốc tế để phát triển vùng biên giới đất liền, đồng thời, làm rõ thực trạng và vấn đề chính trong phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, an ninh phi truyền thống và an ninh chính trị tại các vùng biên giới. Ngoài ra, các đại biểu cũng nhận diện tiềm năng phát triển vùng biên giới trên đất liền tính đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; đồng thời đề xuất giải pháp phát triển trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Lý Thanh Hương