Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học công nghệ (Bài 2)

Nuôi tôm thâm canh. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Nuôi tôm thâm canh. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Bài 2: Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, thủy sản

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây của cả nước, 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Do đó, khoa học - công nghệ đã và đang trở nên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho ngành nông nghiệp, thủy sản của vùng.

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học công nghệ (Bài 2) ảnh 1Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, tại cánh đồng xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Mô hình hiệu quả

Nhiều nông dân tỉnh Sóc Trăng đã và đang từng bước ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Tại huyện Long Phú, thay vì dùng bình xịt phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, nay nhiều cánh đồng được người nông dân áp dụng mô hình máy bay phun thuốc. Ông Trương Văn Sơn (xã Phú Hữu) áp dụng và nhận thấy hiệu quả tích cực nên mở rộng làm dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái cho các hộ dân trong vùng và ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Châu Thành. Theo ông, máy bay không người lái mang lại nhiều lợi ích như người sử dụng không phải tiếp xúc với thuốc, bảo vệ sức khỏe của mình. Lượng thuốc máy bay phun xịt đều trên lúa và giảm 20% chi phí.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) Trần Hoàng Dũng cho rằng, việc áp dụng máy bay không người lái vào sạ, phun thuốc là một trong những ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hiệu quả. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với cơ sở có máy bay tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất lúa 3 trong 1 có dùng máy bay (gieo sạ, bón phân và phòng trừ dịch bệnh).

Tại Bạc Liêu, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi tôm được xem là khâu đột phá nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, địa bàn tỉnh có 25 công ty, đơn vị và hơn 800 hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn. Ông Ngô Quang Hùng (huyện Đông Hải) cho biết, việc nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao rút ngắn được thời gian nuôi, cho năng suất trung bình từ 30 - 50 tấn/ha, tăng từ 10 -15 lần so với nuôi tôm thông thường. Áp dụng các công nghệ cao còn giúp việc nuôi quay vòng, gối vụ liên tục góp phần giảm bớt áp lực về đầu ra, có tôm xuất bán ra thị trường mọi thời điểm theo nhu cầu của khách mua.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Long Mạnh (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) là một doanh nghiệp thành công trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Giám đốc Long Văn Nghĩa cho biết, Công ty đang áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ siêu thâm canh hai giai đoạn hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Với mô hình này, giai đoạn ương cho tỷ lệ sống trên 75%, giảm 1/3 lượng thức ăn so với các quy trình khác. Sau 60 ngày nuôi, tôm đạt 70 - 80 con/kg và sau 100 ngày nuôi trung bình đạt 30 con/kg. Chi phí đầu tư giảm 70% so với mô hình thay nước; nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, cách làm đã đạt hiệu quả tốt như: Ứng dụng khoa học công nghệ trong chuẩn bị đất, phân bón và ao chuồng chăn nuôi; chọn tạo cây, con giống mới có chất lượng cao, khả năng phòng trừ dịch bệnh, thích ứng tốt với các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; ứng dụng khoa học công nghệ trong trong thu hoạch, bảo quản nông phẩm đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hạn chế tổn thất, nâng cao giá trị hàng hóa…

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học công nghệ (Bài 2) ảnh 2 Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp, thủy sản. Đối với phát triển giống cây ăn quả chủ lực, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70% các loại trái cây của cả nước với diện tích trồng cây ăn quả trên 363 ngàn ha. Đây được xem là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, Viện đã tiến hành phục tráng giống và bình tuyển các cây đầu dòng đặc sản, bản địa như: bưởi da xanh, sầu riêng Ri6, chôm chôm Java, xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng... qua đó, nâng cao chất lượng quả, chống thoái hóa vườn cây. Thời gian tới, Viện đề xuất tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường có khả năng chống chịu với nhóm bệnh lây lan qua đất và chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường. Viện ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam.

Riêng về sản xuất lúa, Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn (Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) khẳng định, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển lúa gạo chất lượng cao hiện nay là điều rất quan trọng. Trong 10 năm gần đây, Viện đã kết hợp giữa phương pháp giữa lai tạo truyền thống với công nghệ hiện đại (kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật nuôi cấy mô tạo biến dị soma, nuôi cấy túi phấn, đột biến phóng xạ, nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử, lập bản đồ gen, giải trình tự, chuyển nạp gen và gần đây là công nghệ chỉnh sửa gen…) trong chương trình lai tạo các giống lúa mới đa mục tiêu: ngắn ngày, năng suất, phẩm chất, kháng sâu bệnh, chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường. Đơn vị đã chọn tạo ra 163 giống lúa mới, hơn 20 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật mới; ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, ủy quyền sản xuất kinh doanh 29 giống lúa cho các doanh nghiệp và chuyển giao quyền sử dụng chung giống lúa OM cho 59 đơn vị là doanh nghiệp, trung tâm giống các tỉnh trong khu vực. Đến nay, diện tích gieo trồng các giống do Viện chọn tạo chiếm 60 - 70% tại Đồng bằng sông Cửu Long. Một số giống nổi bật như OM18, OM5451, OM380, OM4900, OM7347, OM6976… phát triển ra các khu vực miền Trung, phía Bắc và một số nước: Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, Cu Ba...

Đặc biệt, đối với con tôm, Tiến sĩ Lê Anh Xuân, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Trúc Anh (Bạc Liêu) nhận định, việc nghiên cứu, cải tiến và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm đạt năng suất cao, giảm rủi ro, giảm chi phí đầu vào và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay được cho là bài toán hữu ích. Đơn vị đã nghiên cứu và hoàn thiện một số quy trình nuôi hiệu quả đã và đang được chuyển giao đồng hành cùng với nông dân trong toàn quốc như: Quy trình nuôi tôm Quảng canh cải tiến áp dụng trong mô hình Tôm - Lúa đạt năng suất 500 - 700 kg/ha/năm; Quy trình nuôi tôm sú bằng các chế phẩm sinh học; Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn đạt năng suất 30 - 50 tấn/ha/năm…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, ngành Khoa học và Công nghệ nói chung và của Đồng bằng sông Cửu Long phải xây dựng, lắp đặt hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn… để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, ngành Khoa học và Công nghệ vùng tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học công nghệ đảm bảo nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động cho các vùng khan hiếm nước ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (như xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh và khai thác nước tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng với quy mô khác nhau; hệ thống khử nước mặn sử dụng năng lượng tái tạo…).

Ngoài ra, các tỉnh trong vùng cần chú trọng đầu tư, tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm chủ lực. Đồng thời, các địa phương phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh; lựa chọn, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao (tôm, cây ăn trái, lúa gạo chất lượng cao), dịch vụ hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh…

Như vậy, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, cần có hệ thống các giải pháp cơ bản, đồng bộ, toàn diện; huy động sự tham gia của nhiều lực lượng ở Trung ương và địa phương; cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt trong quá trình thực hiện, đồng thời kiên trì thực hiện trong thời gian dài, với quyết tâm cao… (Xem tiếp Bài 3: Hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường khoa học công nghệ)

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm