Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học - công nghệ (Bài 1)

 Ông Nguyễn Văn Hoạt kiểm tra tôm nuôi tại ao phủ bạt ờ Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa-TTXV
Ông Nguyễn Văn Hoạt kiểm tra tôm nuôi tại ao phủ bạt ờ Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa-TTXV

Ngành Khoa học và Công nghệ đã thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc quan tâm, chú trọng đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Để khoa học và công nghệ thật sự là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành Khoa học và Công nghệ, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long cần có các giải pháp và chính sách đồng bộ. Phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đề cập nội dung này qua chùm ba bài viết chủ đề: Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá và phát triển bền vững về khoa học - công nghệ.

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học - công nghệ (Bài 1) ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 tổ chức vào tháng 12/2022 ở Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Bài 1: Từ vùng trũng đến vùng trọng điểm khoa học, công nghệ

13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc quan tâm đầu tư cho khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Do vậy, việc nhận thức tầm quan trọng, những thách thức, cũng như tìm giải pháp nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong nhiệm vụ trọng tâm đối với các chính quyền địa phương Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Thiếu hàm lượng công nghệ cao

Tại Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào tháng 12/2022 ở Sóc Trăng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, nhìn tổng thể kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào thiên nhiên, chưa có sự chuyên môn hóa, ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thiếu tính bền vững. Công tác đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào giải quyết các vấn đề thực tiễn còn nhiều hạn chế…

Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của vùng còn hạn chế, thấp hơn so với nhiều vùng trong cả nước. Thị trường khoa học và công nghệ chưa thực sự phát huy được vai trò của các tổ chức trung gian trong việc kết nối cung - cầu công nghệ. Hoạt động nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn chung còn yếu, số doanh nghiệp có đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều. Việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn chậm. Đa số các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và cũng chưa thành lập Quỹ để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ do thủ tục quy định, thành lập, sử dụng, chi tiêu phức tạp, khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Trương Hoàng Phương, nguồn lực dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ ngân sách nhà nước còn thấp so với yêu cầu thực tế. Nguồn lực từ xã hội hóa huy động được rất ít, không đáng kể. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Phần lớn kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thương mại hóa chưa cao.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, trên địa bàn tỉnh, đa phần các doanh nghiệp chưa có những đặt hàng và liên kết hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới chỉ dừng ở bước tuyên truyền, tập huấn, thay đổi về nhận thức. Thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa theo kịp với điều kiện thực tế phát triển của vùng. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ sau đại học công tác ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ công lập còn ít, hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học - công nghệ (Bài 1) ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Hoạt kiểm tra tôm nuôi tại ao phủ bạt ờ Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Ưu tiên hàng đầu

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định khoa học và công nghệ là ưu tiên hàng đầu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các tỉnh, thành trong vùng đã cụ thể hóa cơ chế, chính sách và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn. Các địa phương đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển các sản phẩm chủ lực, khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và những đặc trưng nổi trội của địa phương, của vùng; có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Một số văn bản có nội dung đổi mới, đột phá mạnh mẽ tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ như: Đề án của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của Tỉnh ủy Bạc Liêu về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình hành động của UBND thành phố Cần Thơ thực hiện khâu đột phá thứ 3 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 14 về khoa khoa học và công nghệ”…

Các, bộ, ngành, địa phương tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu (Cộng hòa Liên bang Đức) xây dựng Dự án hợp tác “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đất, nước và năng lượng và khí hậu”. Tại An Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Tổ chức JICA Nhật Bản tiếp nhận tình nguyện viên OBA Yutaro làm việc trong lĩnh vực trồng trọt tại Trung tâm Công nghệ sinh học từ ngày 22/6/2022 đến năm 2024...

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Trương Hoàng Phương cho biết, là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố đang thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của địa phương, của vùng thông qua các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, triển lãm trưng bày thành tựu khoa học công nghệ, chợ công nghệ quy mô vùng; tiếp tục phát triển và vận hành Sàn giao dịch công nghệ ảo www.catex.vn. Cần Thơ tăng cường thông tin giao dịch công nghệ tại địa phương với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tiếp tục theo dõi tiến độ, tham mưu thực hiện thủ tục Đề án thành lập Khu công nghệ cao thành phố. Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ kết nối Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, các Sở Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững cho vùng. Các đơn vị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.

Các Sở Khoa học và Công nghệ, trường Đại học, Viện nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực; lựa chọn, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị, các mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao (tôm, cây ăn trái, lúa gạo chất lượng cao), các dịch vụ hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định đúng và tích cực thực hiện đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua biện pháp hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức… sẽ là tiền đề góp phần cho vùng đất “Chín Rồng” cất cánh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Xem tiếp Bài 2: Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, thủy sản)

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm