Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học công nghệ (Bài cuối)

Thu hoạch hàu tại vùng nuôi sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Thu hoạch hàu tại vùng nuôi sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá, phát triển bền vững về khoa học công nghệ, các địa phương trong vùng cần coi trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường khoa học công nghệ; đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học công nghệ (Bài cuối) ảnh 1Hàng năm, Tiền Giang gieo trồng trên 55.000 ha rau màu các loại với sản lượng thu hoạch đạt 1,17 triệu tấn, là địa bàn cung cấp rau màu lớn cho các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh đã chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào thâm canh, giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản vừa đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm tham gia thị trường. Hiện, địa phương này có khoảng 100 nhà màng với diện tích 300 - 1.000 m2/nhà màng trồng dưa lưới, rau ăn quả, rau thủy canh với chế độ nước, dinh dưỡng hồi lưu; trên 120 nhà lưới trồng các loại rau ăn lá. Trong ảnh: Trồng rau trong nhà lưới ở huyện Gò Công Đông. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Doanh nghiệp là nòng cốt

Tại Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng 12/2022 tại Sóc Trăng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định, các tỉnh, thành trong vùng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ bằng nhiều hình thức. Đến nay, toàn vùng có tổng số 55 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có 38 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Là địa phương có vai trò trung tâm khoa học và công nghệ của vùng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, thành phố hiện có 15 tổ chức khoa học và công nghệ, vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập và ngoài công lập; có 8 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận và 3 doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua việc hình thành các tổ chức trung gian công nghệ như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc… Thành phố còn hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tăng mức hạn điền để doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn khoa học công nghệ trong sản xuất cũng như quan tâm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư dự án phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hoặc cung cấp các dịch vụ cho nông nghiệp.

Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 duy trì có hiệu quả 3 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành mới từ 1 - 2 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tỉnh dự kiến hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến; công cụ cải tiến năng suất cơ bản; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh cho dự kiến 8 doanh nghiệp. Địa phương hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng và không quá 1 hợp đồng/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Nguyễn Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thiên Vạn Tường (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách), từ khi Sóc Trăng triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi nguồn vốn, khoa học kỹ thuật; đi đào tạo, tập huấn nước ngoài, xúc tiến thương mại… Công ty đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng và chế biến các loại nấm ăn, nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo, yến sào có giá trị cao và cung cấp thiết bị, vật tư nuôi chim yến. Hiện nay, công ty đang đẩy mạnh trồng 30 mô hình nấm các loại, quy mô mỗi mô hình 2,5 tấn nấm/năm liên kết với các hộ nông dân trong vùng. Hàng năm, công ty tiến hành đa dạng hóa sản phẩm từ nấm bào ngư, cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 1.000 tấn nấm qua các thị trường Nhật Bản, Italy, Đài Loan (Trung Quốc)… và mở rộng thêm thị trường Trung Đông.

Địa bàn tỉnh Bến Tre có 9 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang hoạt động hiệu quả, trong đó tiêu biểu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến dừa Lương Quới (xã An Hiệp, huyện Châu Thành). Phó Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Trường Thịnh cho biết, doanh nghiệp luôn xác định công nghệ sản xuất quyết định chất lượng sản phẩm tương ứng. Vì vậy, từ một Cơ sở ép dầu Lương Quới được thành lập từ năm 1997, đến nay, đã trở thành một trong những công ty sản xuất các sản phẩm từ dừa với các sản phẩm đa dạng, dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ gắn liền với việc sản xuất ra các sản phẩm chất lượng như cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng lon, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa tinh luyện, dầu dừa nguyên chất… xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Phi, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh và phát triển khoa học công nghệ. Tuy hoạt động còn nhiều hạn chế nhưng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của Bến Tre đã cho vay đối với 3 dự án khoa học và công nghệ đổi mới, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí là 4,5 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng từ doanh nghiệp tham gia… Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 hỗ trợ 20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sản phẩm kinh doanh; 100 sản phẩm đổi mới sáng tạo triển khai ứng dụng hiệu quả được công bố thông qua cuộc thi trong doanh nghiệp; thu hút 50 ý tưởng, dự án tham gia hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học Phổ trông trên địa bàn…

Để Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá về khoa học công nghệ (Bài cuối) ảnh 2Nuôi tôm càng xanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Phát triển thị trường khoa học công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhận định, thị trường khoa học công nghệ của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động triển lãm giới thiệu, kết nối cung cầu, khai thác thông tin, đổi mới công nghệ, giải mã và làm chủ công nghệ…, qua đó đã giới thiệu hàng ngàn thiết bị, công nghệ mới được áp dụng trong các doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sàn giao dịch công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, tư vấn, kết nối, cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp/cá nhân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (như Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long) thuộc các lĩnh vực xử lý nước, y tế, nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm… Ngoài ra còn tư vấn chuyển giao công nghệ về năng lượng, đánh giá trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực tại Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ… Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang mở rộng kết nối với Sàn giao dịch công nghệ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cho phép xây dựng, triển khai đề án thí điểm chính sách đủ mạnh, xuyên suốt trong giai đoạn trung hạn nhằm tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay. Từ đó, tiến tới khai thông chính sách nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học. Các thủ tục, quy trình hướng dẫn thực hiện của đề án thí điểm cần được triển khai đồng bộ, cơ chế thí điểm đủ rộng để các bên tham gia có động lực và lợi ích xuyên suốt quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế. Các địa phương cần thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ giữa viện, trường và doanh nghiệp; hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Đối với Cần Thơ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Trương Hoàng Phương cho biết, thành phố đã hình thành, phát triển Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ trực tuyến (www.catex.vn), đây là kênh thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ thiết bị. Đến nay, Sàn đã đăng tải giới thiệu gần 11.500 thông tin sản phẩm về thiết bị, công nghệ của gần 240 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia chào bán qua Sàn. Tổng lượt tìm kiếm, khai thác, cung cấp thông tin về công nghệ, thiết bị qua hệ thống Sàn là trên 12 triệu lượt.

Cổng thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ (sokhcn.cantho.gov.vn), Mạng thông tin khoa học và công nghệ Cần Thơ (www.casti.vn; www.trithuckhoahoc.vn; tailieukhoahoc.vn) được duy trì, cập nhật trên cả hai phiên bản tiếng Anh - Việt. Thông tin cập nhật thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thành quả nghiên cứu mới… Ước tính, hàng năm có trên 3.500 thông tin về khoa học - công nghệ trong nước và thế giới được cập nhật, đáp ứng trên 50 triệu lượt khai thác, tìm kiếm thông tin. (Hết)

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm