Đánh thức du lịch Lai Châu

Đánh thức du lịch Lai Châu

Lai Châu từ lâu trở thành điểm đến yêu thích của dân du lịch, nếu một lần tới đây hẳn du khách sẽ nhớ mãi, con người, thiên nhiên nơi đây bởi không khí trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp, núi rừng hùng vĩ cùng nét văn hoá của 20 dân tộc anh em, phong tục bản địa toát lên vẻ đẹp của sự chất phác, nhiệt tình, thân thiện, cởi mở. Trong bối cảnh ngành du lịch thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp, nguy hiểm của đại dịch COVID-19, nhưng du lịch Lai Châu trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn và độc đáo của du lịch Việt Nam.

Đánh thức du lịch Lai Châu ảnh 1Du khách khám phá, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Tiềm năng du lịch Lai Châu

Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, ở vị trí địa lý quan trọng là cầu nối giữa Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 1 cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai của tỉnh Lai Châu là rất lớn.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, du lịch tỉnh đưa vào khai thác 16 điểm du lịch; 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó, có 128 cơ sở với 2.099 buồng/phòng; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18%/năm.

Đến nay, Lai Châu phát triển nhiều loại hình du lịch như: tham quan, nghỉ dưỡng, mạo hiểm và nghiên cứu văn hóa... Tuy nhiên, du lịch cộng đồng chiếm vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của Lai Châu, nổi bật nhất là bản Sin Suối Hồ đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là "Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu" năm 2019.

Đánh thức du lịch Lai Châu ảnh 2Du khách lựa chọn sản phẩm thêu dệt thủ công làm quà lưu niệm tại chợ phiên Sin Suối Hồ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Du lịch cộng đồng đã cho thấy vai trò động lực phát triển ở nhiều bản làng tại Lai Châu, với bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), du lịch đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, biến một nơi từng bị coi là "bản nghiện" thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Điểm đến Sin Suối Hồ

Sin Suối Hồ là một bản của đồng bào dân tộc Mông thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là vùng biên giới giáp với Trung Quốc, có địa hình núi non trùng điệp, hùng vĩ. Đến đây du khách có rất nhiều lựa chọn như leo núi, thưởng thức văn hóa, ẩm thực, tham gia các phiên chợ, tìm mua đặc sản địa phương hoặc trải nghiệm cuộc sống nông nghiệp cùng bà con.

Đánh thức du lịch Lai Châu ảnh 3Du khách có thể ngủ tại các ngôi nhà gỗ cổ được gìn giữ qua nhiều thế hệ của các gia đình đồng bào dân tộc Mông ở Sin Suối Hồ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Theo bà con nơi đây, khoảng hơn 25 năm trước, rất nhiều người dân trong bản nghiện thuốc phiện và nghiện rượu. Cuộc sống đói khổ, nhiều người chỉ có thể đi đào củ mài ăn qua ngày. Khoảng 10 năm trở lại đây, chính quyền địa phương quyết tâm thay đổi tư duy cho người dân, tổ chức cai nghiện và thực hiện chương trình nông thôn mới.

Trong quá trình chuyển mình, bản Sin Suối Hồ bắt đầu làm du lịch và coi đây là hoạt động kinh tế chủ chốt. Bà con dân bản chung tay xây dựng “bản 5 không” với tiêu chí: không uống rượu; không hút thuốc (thuốc phiện, thuốc lá, thuốc lào); không xả rác bừa bãi; không có tệ nạn và mâu thuẫn cộng đồng; không có người ăn xin, chèo kéo du khách… Để cùng làm du lịch, dân bản chia nhau thành 15 tổ nhóm dịch vụ, như: tổ nấu ăn, vận chuyển, dệt vải, văn nghệ... phục vụ du khách.

Đánh thức du lịch Lai Châu ảnh 4Du khách tham quan, chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường ấm về mùa đông và mát về mùa hè ở Sin Suối Hồ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản, xã Sin Suối Hồ cho biết, 5 năm qua, bản Sin Suối Hồ đã thay da đổi thịt khi đồng bào biết làm du lịch. Có thể thấy được tinh thần đoàn kết nhập cuộc của người dân Sin Suối Hồ qua việc bà con chủ động mở đường từ bản đến các điểm danh thắng, hiến đất xây chợ và mở chợ phiên ngay tại bản và mở các homestay. Điều đáng quý người Sin Suối Hồ đều ý thức được rằng, một trong những điểm thu hút du khách đến đây, chính là bảo tồn được bản sắc vốn có của dân tộc Mông.

“Chúng tôi muốn giới thiệu cho khách du lịch hiểu thêm về bản sắc người Mông. Mỗi hộ kinh doanh homestay đều mặc trang phục truyền thống, đều làm những món đặc sản của người Mông và sinh hoạt với tập tục riêng của mình cùng với du khách tới đây. Đây vừa là trách nhiệm bảo tồn văn hoá dân tộc, vừa là điểm độc đáo giúp chúng tôi tận dụng để làm du lịch” – anh Vàng A Chỉnh chia sẻ.

Anh Vàng A Chú người dân của Bản Sin Suối Hồ cho biết, du lịch cũng đem lại thu nhập đáng kể giúp cải thiện đời sống. Vì vậy, bà con đều đồng lòng phát triển du lịch. “Trước đây khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gia đình thu nhập bình quân mỗi năm từ 150 – 200 triệu đồng”- anh Vàng A Chú chia sẻ.

Đánh thức du lịch Lai Châu ảnh 5 Những món ăn truyền thống mang đậm bản sắc của núi rừng Tây Bắc do chính người dân bản địa chế biến phục vụ du khách. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Hàng năm, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ khoảng 20.000 lượt người, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm. Mặc dù thời điểm này đang vắng khách du lịch do đại dịch COVID-19, người dân tại Sin Suối Hồ vẫn đang hàng ngày giữ gìn bản làng sạch đẹp, tìm ra những sản phẩm mới để sẵn sàng đón khách sau đại dịch.

Đánh thức tiềm năng

Từ thành công của bản du lịch Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng như bản Sì Thâu Chải, bản Thẳm, bản San Thàng.

Điều quan trọng nhất là du lịch cộng đồng ở Lai Châu đã biết phát huy giá trị cốt lõi chính là lấy người dân làm gốc, làm trung tâm để phát triển. Chính những yếu tố như sự độc đáo của bản sắc văn hóa, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian, bản tính nhiệt tình, thân thiện, hiếu khách của mỗi điểm du lịch cộng đồng sẽ giúp du lịch Lai Châu phát triển.

Đánh thức du lịch Lai Châu ảnh 6 Quanh bản Sin Suối Hồ được bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Mặc dù là một tỉnh giàu tiềm năng, nhưng vẫn còn thiếu thông tin và nghèo sản phẩm, những gì mà Lai Châu đã và đang làm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Để “đánh thức” được tiềm năng này, cần sự có sự đầu tư bài bản, đúng hướng từ các cấp chính quyền địa phương đến các đơn vị và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu lâu dài của Lai Châu là hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch trở thành một hướng đi phát triển kinh tế quan trọng của mỗi địa phương đáp ứng xu hướng kích cầu du lịch nội địa, phong trào "người Việt du lịch Việt".

Hằng Trần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm