Đăng ký mã vùng trồng - chìa khóa xuất khẩu cho nông sản Gia Lai

Đăng ký mã vùng trồng - chìa khóa xuất khẩu cho nông sản Gia Lai

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai đạt 660 triệu USD, trong đó, xuất khẩu nông sản chiếm gần 80%. Ngoài sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp trong tận dụng các hiệp định thương mại, chính sách ưu đãi về xuất khẩu, còn có sự chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sản phẩm của các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nhận định, năm 2023 tỉnh Gia Lai phấn đấu xây dựng được 180 - 200 mã số vùng trồng và khoảng 40 - 50 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Cũng theo ông Nghĩa, trong năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã tích cực thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng, để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai có địa chỉ rõ ràng, công khai minh bạch khi đưa ra thị trường.

Đăng ký mã vùng trồng - chìa khóa xuất khẩu cho nông sản Gia Lai ảnh 1 Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai) đã được cấp 7 mã số vùng trồng chuối, 3 mã số cơ sở đóng gói với 400ha chuối. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng tăng cường tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, được kiểm soát, công khai, minh bạch trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính trên thế giới.

"Để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, có sổ tay ghi chép nhật ký vùng trồng và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)", ông Nghĩa cho biết thêm.

Tại một số địa phương, việc cấp mã số vùng trồng như đã thành thông lệ, quy định. Với hơn 100 ha chanh leo, năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký 7 mã số vùng trồng sản phẩm. Nhờ vậy, hiện sản phẩm của hợp tác xã này đã được xuất bán chính ngạch sang Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm chanh dây tươi loại 1 được xuất sang Pháp và Thụy Sỹ.

Chuối đang là cây trồng có diện tích tăng mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm gần đây. Theo đó, để đảm bảo đầu ra, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn tại huyện Đăk Đoa cũng đã hoàn thiện các thủ tục và được cấp 7 mã số vùng trồng chuối, 3 mã số cơ sở đóng gói cho 400 ha chuối tại huyện Đăk Đoa.

Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc trang trại chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết, đây không chỉ là tấm vé thông hành cho chuối xuất khẩu, mà còn ngày càng nhiều đối tác nước ngoài tìm đến đặt hàng. Lợi ích là sản phẩm khi được cấp mã vùng trồng sẽ có quyền xuất khẩu sang nước bạn, không phải qua đầu mối trung gian nào giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Mục tiêu của công ty tới đây sẽ mở rộng thị trường mới nhưng chú trọng vào sản phẩm, tránh rủi ro trong kinh doanh. Năm 2022, công ty đã xuất khẩu được gần 20.000 tấn chuối, kế hoạch 2023 là khoảng 24.000 tấn.

Tại huyện Mang Yang, Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai đang đầu tư trồng 1.400 ha chuối, 100 ha sầu riêng và 110 ha bưởi. Quy trình sản xuất được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; công ty còn đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. Đến nay, công ty đã được cấp 4 mã số vùng trồng chuối, 5 mã số cơ sở đóng gói, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường khác; cụ thể như xuất khẩu sang Trung Quốc 400 nghìn tấn chuối và Nhật Bản, Hàn Quốc hơn 800 nghìn tấn.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 55 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 5.775 ha. Các loại nông sản như: xoài, thanh long, mít, chuối, dưa hấu đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã gửi hồ sơ 8 mã số vùng trồng chanh leo, sầu riêng chờ cấp, 1 mã số cơ sở đóng góp; đang hoàn thiện hồ sơ 20 mã vùng trồng ớt, 2 mã số vùng trồng bưởi, 1 mã vùng trồng sầu riêng.

"Cùng với liên kết sản xuất theo chuỗi, việc tích cực đẩy nhanh đăng ký mã vùng trồng nông sản là bước đi quan trọng của tỉnh Gia Lai hướng tới thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản của địa phương, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa khẳng định.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm