Theo Đông y, lươn có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, đau nhức xương sống, phong thấp, bệnh huyết trắng của phụ nữ. Tuy nhiên, thai phụ không nên ăn thịt lươn. Với đặc tính bổ dưỡng và sinh khí huyết, máu lươn có tác dụng tăng cường dương khí, giúp lưu thông máu huyết, trị được chứng khô miệng, đau nhức trong tai và tăng cường khả năng tình dục.
Miến lươn Nghệ An ngọt thanh vị nước dùng hòa với vị bùi béo của lươn tươi |
Lươn chọn con có da nhẵn bóng và hanh vàng; dùng muối, dấm, chanh rửa sạch hết nhớt; lọc bỏ xương; trần qua nước sôi sau đó cắt thành sợi nhỏ dài rồi ướp cùng muối, tiêu, bột ngô. Cho đầu và xương lươn vào nồi nước ninh, có thể ninh cùng xương gà, lợn cho ngọt nước. Nhớ nướng thêm vài củ hành và vài nhánh gừng cho vào ninh cùng xương để ra nước cốt ngọt thơm chan miến. Khi nước bắt đầu sôi, hạ nhỏ lửa cho sôi liu riu và vớt hết sạch bọt bẩn nổi lên cho nước dùng được trong. Bắc chảo lên bếp, cho ngập dầu ăn khoảng 2-3 đốt ngón tay (4-5cm). Cho từng mẻ lươn vào rán giòn đến khi lươn có màu vàng sẫm. Cho lươn ra để ráo dầu. Xếp giá đỗ, hành tây và rau răm vào bát, miến chần qua nước sôi cho thật mềm để lên trên, tiếp đó cho lươn khô vào rồi chan nước dùng. Cuối cùng rắc một ít hành phi lên trên và ăn nóng cùng tương ớt. Bát miến lươn Nghệ An dậy mùi thơm của nước dùng hành răm, miếng thịt lươn bùi béo như tan ngay trong miệng.
Lưu ý: Để miến lươn giòn và không tanh, khi lọc xương xong không được rửa lươn vào nước nữa. Khi rán lươn, không cho quá nhiều lươn một lúc sẽ khiến lươn dính bết vào nhau, dầu sẽ mất nhiệt khiến lươn không thể giòn. Lươn ăn không hết có thể gói kín vào túi đựng thực phẩm hoặc đựng vào hộp đậy nắp kín để chỗ khô mát, có thể dùng dần trong 1 tháng.
Theo suckhoedoisong.vn