Ngày 21/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chủ thể sản phẩm OCOP năm 2022, theo chủ đề “Hỗ trợ nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững”.
Tham dự hội nghị đối thoại có 200 cán bộ Hội Nông dân cơ sở tiêu biểu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ thể sản phẩm OCOP đại diện cho hơn 195.000 hội viên nông dân trong tỉnh.
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại chương trình đối thoại, hội viên, cán bộ hội nông dân và các chủ thể OCOP đã nêu 14 ý kiến, kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh như: Khó khăn, vướng mắc trong sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng; Chính sách về ứng dụng nông nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp; khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nông dân cũng nêu các ý kiến, kiến nghị về tiếp cận thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản; vấn đề liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã…
Trao đổi về vấn đề nguồn cung cây, con giống trong sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Đình Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar ý kiến, để sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, nguồn cung cấp cây, con giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, những địa chỉ tin cậy để cung cấp nguồn giống còn rất ít, nguồn giống “trôi nổi” không rõ nguồn gốc khá nhiều đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người nông dân. Do đó, UBND tỉnh cần có giải pháp quản lý chặt hơn nguồn cung cây, con giống cũng như có thêm nhiều địa chỉ tin cậy để cung cấp nguồn cây, con giống chất lượng giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Theo ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông), chủ thể sản phẩm OCOP, đối với việc xuất khẩu nông sản chính ngạch hiện nay thị trường yêu cầu cao về nhãn mác, hàng hóa, bao bì đóng gói, dư lượng tối đa hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp, tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng… Nông dân đang lúng túng, sản xuất nông nghiệp theo lối mòn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo hộ gia đình không liên kết, không tuân thủ các quy định trong sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu nhất để tháo gỡ vấn đề sản xuất đáp ứng xuất khẩu chính ngạch.
Tại buổi đối thoại, các ý kiến, kiến nghị và hiến kế của cán bộ, hội viên, nông dân đã được lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành trực tiếp giải đáp, trao đổi thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện để nông dân trên địa bàn được tiếp cận, hưởng lợi các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả để nông sân học hỏi; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là trên các kênh thương mại điện tử. Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, đào tạo, tập huấn và truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng 200 phần quà cho nông dân tham dự hội nghị; trao quyết định triển khai 5 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và Chương trình tuyên dương 6 Chi hội nghề nghiệp, 11 Tổ hội nghề nghiệp tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk, năm 2022.
Hoài Thu