Tỉnh Đắk Lắk đã vào giai đoạn mùa khô, nhiều khu vực được xác định có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương chủ động phòng, chống cháy rừng để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy; sẵn sàng lực lượng nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Theo đó, tỉnh xác định trên địa bàn nhiều khu vực có nguy cơ cháy rừng rất cao ở các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ. Khu vực có nguy cơ cháy rừng cao gồm các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo; khu vực có nguy cơ gồm các huyện Cư M’gar, thành phố Buôn Ma Thuột, Krông Pắc và Krông Ana, Cư Kuin…
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, đơn vị đã tham mưu các văn bản tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, đơn vị đề nghị các sở, ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm cũng triển khai đến các hạt kiểm lâm tăng cường quản lý bảo vệ rừng, nhất là chủ động phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô. Đặc biệt, các đơn vị tuyên truyền vận động nhân dân sống gần rừng bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng ở địa phương, chính quyền các cấp và chủ rừng nhằm xây dựng kế hoạch và thực hiện quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng trong mùa khô; tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trong thực thi công vụ, nhất là phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, 2, 3 phối hợp với hạt kiểm lâm sở tại, các đơn vị chủ rừng rà soát trang thiết bị, công cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa bàn quản lý. Chủ động sẵn sàng thực hiện chữa cháy rừng kịp thời, triệt để và an toàn theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và 4 sẵn sàng (sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần và sẵn sàng chỉ huy).
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các lực lượng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (địa bàn biên giới) và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tổ chức trực ban, bố trí lực lượng, quân số, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu của UBND tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND cấp huyện xây dựng và kiểm tra, giám sát việc triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ và phòng cháy là chính; kiên quyết xử lý khi đám cháy mới phát sinh, báo cáo kịp thời tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng lên cấp trên để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Đồng thời tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì công tác thông tin báo cáo công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời…
Đắk Lắk hiện có 497.235,2ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 411.930,9ha, rừng trồng 85.304,3ha), che phủ rừng đạt 38,04%. Năm 2024, tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại 4,47 ha tại huyện Ea Súp và thành phố Buôn Ma Thuột. Nguyên nhân là do người dân đốt rác, đốt nương làm rẫy mất kiểm soát gây cháy lan.
Tuấn Anh