Trần Văn Thời là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Cà Mau, trong đó phần lớn là dân tộc Khmer. Nhiều năm qua, công tác xây dựng và phát triển Đảng ở địa phương đã được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức nên đạt nhiều kết quả tốt.
Cách làm hiệu quả, sáng tạo
Nằm về phía Tây của tỉnh Cà Mau, huyện Trần Văn Thời có diện tích tự nhiên 703,47 km2, dân số 47.920 hộ với 193.420 khẩu. Đảng bộ hiện có 60 tổ chức cơ sở đảng, gồm 17 đảng bộ và 43 chi bộ cơ sở, với hơn 5.400 đảng viên, trong đó có 105 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 1,95% tổng số đảng viên toàn huyện.
Với đặc điểm như một tỉnh Cà Mau thu nhỏ, huyện Trần Văn Thời được ví là nơi ‘‘đất lành chim đậu’’, thu hút khá đông người dân ở nhiều địa phương khác về đây ‘‘an cư, lạc nghiệp’’. Qua thống kê, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 3,91% dân số huyện, phần lớn là các dân tộc: Khmer, Hoa, Chăm. Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung nhiều ở xã Khánh Hưng, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông, Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc.
Bà Lê Thị Nhung, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chia sẻ, song hành với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy Trần Văn Thời luôn quan tâm, xem trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, số tổ chức đảng, đảng viên của toàn huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng năm đều đạt từ 85%; chính quyền, mặt trận, các đoàn thể xếp loại tốt trở lên.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền, vai trò của mặt trận, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, lực lượng nòng cốt, cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy tốt. Từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Bà Lê Thị Nhung, Bí thư Huyện ủy Trần văn Thời cho biết, đạt được kết quả tốt trong công tác xây dựng Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố các cấp ủy, tổ chức Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp ủy chú trọng làm tốt công tác tổ chức bộ máy, cán bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, công tác nhân sự đại hội đảng, phấn đấu có cơ cấu thành phần dân tộc; thực hiện mạnh mẽ việc luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại, giữa xã này và xã khác, bố trí cán bộ là người dân tộc Kinh đan xen với cán bộ là người dân tộc thiểu số để học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đây là cách làm thực sự có hiệu quả để rèn luyện, nâng cao năng lực và trình độ công tác, tạo môi trường hòa nhập, phát huy tốt sự đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cán bộ, đảng viên là đồng bào người dân tộc thiểu số được tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác, cống hiến và trở thành đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, ngôn ngữ, kỹ năng làm công tác dân vận, vận động quần chúng.
Với cách làm đổi mới, sáng tạo của địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời trong thời gian qua.
Đề cập giải pháp giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Lê Thị Nhung, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời cho biết, Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đặc biệt quan tâm phân công đảng viên có năng lực, uy tín phụ trách hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số theo phương châm “Cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ, đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”; từng bước thúc đẩy các phong trào phát triển kinh tế của người dân, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trần Văn Thời còn tích cực hưởng ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh...; tham gia hiến đất, hiến cây, đóng góp công sức, tiền của, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Việc làm này đã góp phần xây dựng huyện không ngừng khởi sắc, văn minh, giàu đẹp hơn.
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng
Nói về định hướng xây dựng Đảng trong thời gian tới, bà Lê Thị Nhung, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời cho biết, ‘‘cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng bộ huyện hết sức quan tâm. Địa phương chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán, kịp thời kiện toàn cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, khối dân vận, ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Huyện ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt kỷ cương, đạo đức công vụ và công tác quản lý cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của xã hội; phát huy đoàn kết, dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội; phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Theo bà Lê Thị Nhung, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, trong bối cảnh hiện nay, để tạo nên chuyển biến tích cực hơn về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải áp dụng các chủ trương, chính sách một cách hiệu quả tùy vào đặc điểm, phong tục tập quán, điều kiện thực tế của mỗi vùng, mỗi khu vực, mỗi địa phương. Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách rất hay, rất phù hợp. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách sao cho đạt hiệu quả nhất và phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.
Kim Há