Tháng 7/2018, Ban Quản lý Khu di tích Đền Thắm tiến hành cải tạo, tu bổ di tích để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của du khách thập phương. Trong quá trình cải tạo, tại vị trí hang đá nhỏ trên vách núi, nằm ở phía bên trái của ngôi đền, đã phát hiện một số di vật khảo cổ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học,, di tích Đền Thắm thuộc vào giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng trên dưới 3.000 năm. Ảnh: Đức Hiếu- TTXVN |
Ngay khi nhận được thông tin, các cơ quan chuyên môn đã có những hành động kịp thời để giữ nguyên hiện trường di tích. Ngày 25/7, Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã cử cán bộ chuyên môn tiếp cận địa điểm phát hiện di vật khảo cổ tại Đền Thắm nhằm khảo sát, đánh giá bước đầu về những di vật phát hiện tại địa điểm này.
Thời gian khai quật từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2018 với diện tích khai quật 15 m2. Khi đoàn khai quật khảo cổ triển khai công tác thì hang đã bị người dân đào sâu gần 1 m, lấy đi toàn bộ đất chứa di tích trong hang và di tích còn lại là một tiểu sành chứa di cốt đã được người dân thu nhặt lại. Phần di tích còn lại trong hang là một phần đất nhỏ ở đáy hang. Những di cốt trong tiểu sành đã được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam xử lý hiện trường và đưa về nghiên cứu tại Hà Nội. Trong hang có nhiều mộ táng. Có thể nói rằng, hang được sử dụng với mục đích chính là an táng di cốt người của một cộng đồng dân cư đã từng cư trú ở khu vực này trong thời tiền sử. Đợt khai quật ở hang Đền Thắm đã thu thập 168 mẫu tàn tích vỏ nhuyễn thể với 165 vỏ ốc các loại. Ngoài ra, còn phát hiện 22 hiện vật đá, 2 hiện vật xương, 1 hiện vật đồng và 725 mảnh gốm các loại.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học, kết quả khai quật nghiên cứu ghi nhận, không gian phân bố di tích là một hốc đá nhỏ hẹp nhưng lại có vị thế thuận lợi. Về niên đại, qua nghiên cứu di tích, di vật ở Đền Thắm và so sánh với các di tích ở khu vực, bước đầu có thể nhận định, di tích Đền Thắm thuộc vào giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng trên dưới 3.000 năm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm cho biết thêm: “Cuộc khai quật di tích Đền Thằm đóng góp một nguồn tư liệu rất quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn Tiền - Sơ sử Bắc Kạn nói chung. Những tư liệu rất quý góp phần nghiên cứu những quá trình tụ cư, sinh sống và tạo nên 1 nền văn hóa của giai đoạn hậu kỳ Đá mới. Tuy diện tích hẹp so với các di tích khác nhưng chứa đựng thông tin lớn cần được bảo tồn, nghiên cứu thêm”.
Các hiện vật thu được từ đợt khai quật khảo cổ di tích Đền Thắm. Ảnh: Đức Hiếu- TTXVN |
Đại diện chính quyền địa phương và Ban Quản lý Khu di tích Đền Thắm mong muốn được giữ lại các bộ xương cốt khai quật được, bảo quản tại Đền Thắm để phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời phục vụ du lịch tâm linh. Cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở để có phương án bảo quản, giữ gìn phù hợp.
Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn chia sẻ: “Việc phát hiện cũng như khai quật khảo cổ di tích Đền Thắm có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, góp phần vào công tác nghiên cứu những giai đoạn lịch sử, các nền văn minh ở Bắc Kạn nói riêng và trong cả nước nói chung. Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp để đưa các hiện vật về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, còn các bộ xương cốt của người tiền sử sẽ được bảo quản, giữ gìn tại Đền Thắm theo nguyện vọng của chính quyền địa phương và Ban Quản lý Khu di tích Đền Thắm. Do đó, cần có biển báo, hướng dẫn và những chỉ dẫn, bức ảnh; đồng thời đảm bảo an ninh để du khách đến thăm quan Đền Thắm nắm được”./.
Đức Hiếu