“Biệt đội” bao trái xoài rất được lòng tin của nhà vườn |
Từ năm 2013, kể từ khi phong trào bao trái được phổ biến ở xứ xoài Bảy Ngàn, thì đội bao trái xoài cũng bắt đầu được thành lập và nổi tiếng từ đó. Thành viên của đội là những nhà vườn có kinh nghiệm từng canh tác xoài nhiều năm. Vì là đội hình duy nhất trong tỉnh, nên các thành viên trong đội được nhà vườn xứ xoài xem như “biệt đội” trong lĩnh vực chăm sóc xoài cho bà con.
Với kinh nghiệm sẵn có đã thực hành trên vườn nhà mình, các anh em trong đội bao trái luôn tận tâm khi chăm sóc vườn cho chủ nhà khi cần đến đội. Phong cách làm việc nhanh nhẹn, hăng hái, nhiệt tình, “biệt đội” luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Tất bật với công việc, anh Trần Tứ Hải, Đội phó Đội bao trái, chia sẻ: “Từ tháng 8 âm lịch tới giờ, chúng tôi thực hiện theo đơn đặt hàng không nghỉ ngày nào. Đơn đặt hàng quá nhiều nên đội phải chia thành 2 nhóm nhỏ mới làm kịp. Năm nay, đơn hàng tăng gần gấp đôi so năm trước, vì phong trào bao trái đã lan tỏa ra nhiều địa phương. Dù bận rộn, nhưng anh em ai cũng vui vì có việc làm, tiền công ổn định, góp thêm thu nhập cho gia đình”.
Theo anh Hải, quy trình kỹ thuật bao trái thực hiện trên xoài là những kiến thức mà anh em học được thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất mới. Qua quá trình thực hành trên vườn nhà và kinh nghiệm tích lũy được, đội đã bao trái ngày càng thuần thục hơn. Dù mang tên là đội bao trái xoài, nhưng trong quá trình hoạt động, thành viên trong đội thực hiện nhiều công việc như: bao trái, cắt tỉa cành, tuyển trái... luôn cho nhà vườn.
Ông Bùi Hoàng Khải, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tâm sự: “Giao vườn cho anh em trong đội bao trái tôi cảm thấy rất an tâm. Bởi khi vào vườn, ngoài nhiệm vụ bao trái xoài, các anh em còn giúp tôi tuyển trái và tỉa cành, sàng lọc trước khi đưa vào túi bao. Tôi cũng nhẹ được công chăm sóc ở khâu này”.
Còn ông Đinh Văn Phương, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, cũng tâm đắc khi đội bao trái thực hiện trong vườn nhà mình. Ông Phương cho rằng, anh em trong đội nắm vững kỹ thuật mới và thực hiện rất khéo léo, tỉ mỉ. Cũng nhờ bao trái, mà sau mỗi vụ, hiệu quả từ cách làm mới này được nâng lên rõ rệt. Nổi trội là giá xoài bao trái cao hơn gần gấp đôi so với bình thường. Cây xoài kịp phục hồi, khỏe và phát triển tốt hơn, bởi ít bị ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, chi phí canh tác giảm, việc quản lý dịch bệnh thuận lợi hơn.
Mặc dù làm dịch vụ, nhưng đội bao trái rất chú trọng đến việc xây dựng niềm tin của khách hàng thông qua chất lượng. Nhờ tạo được uy tín nên hiện nay không những hoạt động trong địa bàn thị trấn, đội bao trái xoài còn được nhiều khách hàng ở các địa phương lân cận đặt hàng, trong đó có nhiều nhà vườn ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Công việc làm ăn hiệu quả nên hơn 3 năm qua, 10 thành viên của đội bao trái luôn có thu nhập ổn định trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Rộ nhất là từ tháng 8 năm nay đến hết tháng 4 âm lịch năm sau. Nhiều thành viên của đội nhờ tham gia công việc bao trái mà cuộc sống cải thiện rõ rệt.
Ông Lê Văn Nhân, thành viên đội bao trái xoài, nhớ lại: “Trước đây, tôi chỉ làm ruộng nên có nhiều thời gian rảnh rỗi, có lúc đi làm phụ hồ nhưng thu nhập không ổn định, lại hao tổn sức khỏe. Hiện nay, nhờ tham gia vào đội mà cuộc sống khá hơn trước rất nhiều. Mỗi khi vào vụ, tôi kiếm được 200.000 đồng/ngày và được chủ vườn hỗ trợ thêm hai bữa ăn sáng, trưa. Đây là khoản thu nhập khá, giúp tôi mấy năm nay trang trải chi phí trong gia đình, có thêm vốn để đầu tư cho mảnh ruộng của mình”.
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, trong quá trình tác nghiệp, “biệt đội” bao trái này cũng gặp không ít khó khăn. Những lúc leo trèo trên cao cũng dễ gặp nguy hiểm. Đôi lúc, làm việc ở những vườn có nhiều hầm, hố hoặc tán cây cao, gần sông thì gây nhiều khó khăn và trở ngại hơn. Chính vì vậy, khi làm việc, anh em hay nhắc nhở nhau cột thêm dây an toàn và dùng thang cứng cáp để tạo chỗ dựa chắc chắn. Trong tổ, nhiều anh em còn sáng tạo thêm một số dụng cụ chuyên dụng như cây móc, dây buộc để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện. Do đó, dù ở địa hình nào, xoài cao hay thấp, đội đều đảm bảo xử lý bao trái tốt cho nhà vườn.
Ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, nhận định: Hoạt động của đội bao trái xoài đã góp phần giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Ngoài ra, các hoạt động của đội đã tạo được sự thay đổi về tập quán sản xuất của nhà vườn, giúp phong trào lan tỏa ra toàn tỉnh. Thông qua hoạt động của đội bao trái, nhiều nhà vườn có điều kiện để tiếp cận với các mô hình sản xuất xoài an toàn, cũng như ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến. Từ đó, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng và đồng nhất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm xoài Bảy Ngàn của địa phương và tăng thu nhập cho nông dân.
Báo Hậu Giang