"Ngày cuối tuần cùng dân" là một mô hình dân vận khéo được Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) Nông Việt Yên khởi xướng từ năm 2019 đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, mô hình này lan tỏa đến khắp các bản làng heo hút ở vùng cao và cả những nơi phố phường đông đúc của tỉnh Yên Bái. Hiện mô hình đã được Tỉnh ủy Yên Bái đưa vào chương trình hành động hàng năm và là việc làm thường xuyên của toàn thể các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân tỉnh Yên Bái.
Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết với chủ đề "Chuyện về Bí thư Huyện ủy với mô hình dân vận khéo "Ngày cuối tuần cùng dân" ở Yên Bái".
Bài 1: Mù Cang Chải - nơi khởi nguồn mô hình
Mù Cang Chải là một trong hai huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái với gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước khó khăn ấy, từ năm 2019, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên đã bàn với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" để giúp đỡ người dân sản xuất, phát triển kinh tế. Từ đó, Mù Cang Chải trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân".
Trăn trở của Bí thư Huyện ủy
Đầu năm 2019, ông Nông Việt Yên được Tỉnh ủy Yên Bái điều động từ vị trí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy về làm Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải đã dành nhiều thời gian đến các làng bản heo hút trong huyện để hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, đời sống của bà con. Nhận thấy nỗi khó khăn, cực nhọc của đồng bào vùng cao trong cuộc sống mưu sinh, nhất là ở miền núi cao đất rộng người thưa nhưng lại thiếu đất canh tác để sản xuất lương thực, đường sá đi lại cách trở, điện thắp sáng nơi có, nơi không... Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên trăn trở làm sao để giúp đỡ bà con nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống.Nghĩ là làm, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên xác định muốn bộ mặt nông thôn đổi thay cần có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể trong huyện. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ công chức, viên chức cần phải đi sâu, đi sát để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, giúp đỡ dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, Huyện ủy Mù Cang Chải đã xây dựng Kế hoạch số 186-KH/HU, ngày 10/6/2019 về phát động và triển khai mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân", từ đây mô hình được ra đời và duy trì đến nay.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu xây dựng chi tiết, cụ thể từng nội dung. Đối với việc thiếu đất sản xuất, đồng chí huy động cán bộ, công chức, viên chức xuống giúp người dân khai hoang ruộng bậc thang vừa có đất sản xuất lại tạo thêm cảnh quan du lịch. Về giao thông, đồng chí đã đưa ra sáng kiến xã hội hóa giúp dân bê tông hóa đường đi về thôn bản, đưa điện về làng, bản... để bà con thuận tiện đi lại, phát triển sản xuất.
Tâm sự với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho biết: Phong trào hiến đất làm đường và xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã được Tỉnh ủy Yên Bái đưa vào Nghị quyết thực hiện từ lâu. Nhưng với một huyện nghèo và khó khăn như Mù Cang Chải thì việc hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn theo phương châm 60-40 (60%) do Nhà nước hỗ trợ máy móc, xi măng, đá, còn 40% do người dân đóng góp công sức) không biết đến bao giờ người dân ở các thôn, bản xa xôi hẻo lánh mới có đường bê tông để đi. Bởi đời sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn, họ phải lo kiếm kế sinh nhai từng ngày, còn đâu sức lực để làm đường giao thông vì vậy việc xã hội hóa kêu gọi các tổ chức đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm giúp đỡ huyện ủng hộ tiền, xi măng… và các tổ chức đoàn thể, cán bộ trong huyện trực tiếp dành ngày nghỉ cuối tuần tham gia làm đường để đẩy nhanh bê tông hóa đường giao thông đến thôn bản cho nhân dân được coi là việc làm hết sức cấp bách trong huyện.
Còn việc khai hoang ruộng bậc thang để cấy lúa nước nếu để người dân tự lực lại là vấn đề nan giải hơn, bởi chỉ một vài người trong gia đình sẽ không thể tự khai hoang ruộng bậc thang được, nên rất cần sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể phát động phong trào giúp dân khai hoang ruộng nước.
Không chỉ giúp dân trong xây dựng đường giao thông, khai hoang ruộng nước Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên còn giúp dân trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát, xây dựng các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư; nâng cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật...; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình... Từ đó, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào, tiến tới xây dựng cuộc sống văn minh hiện đại.
Hiệu quả mô hình "Ngày cuối thuần cùng dân"
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã được mỗi đảng viên, công chức, viên chức thực hiện "ba cùng" (cùng ăn cùng ở và cùng làm việc) đã giúp người dân nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể.
Trong phát triển kinh tế, các cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống tận bản, hộ gia đình, nơi sản xuất, đồng ruộng để hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng các cây, con cho năng suất cao; hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo phát triển kinh tế với trên 8.000 lượt bà con nhân dân; thu hút trên 7.250 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trên 20.734 lượt nhân dân tham gia với những công việc rất thiết thực; tu sửa, làm được hơn 225 km đường giao thông nông thôn; khai hoang trên 120 ha ruộng bậc thang; làm mới trên 1.590 nhà vệ sinh, 456 chuồng nuôi nhốt gia súc... Nhờ đó, đời sống người dân Mù Cang Chải đã không ngừng được cải thiện, tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm đạt khoảng 10%.
Ông Sùng Mí Say, 65 tuổi ở bản Lả Khắt, xã Cao Phạ chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi mới thấy cán bộ về bản đông đúc và đều đặn như vậy. Bằng những việc làm thiết thực đã đưa cán bộ Nhà nước gần dân hơn, qua đây người dân được trực tiếp trao đổi, góp ý với cán bộ để cán bộ hiểu rõ được tâm tư nguyện vọng của người dân trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Không những vậy, cán bộ còn chuyện trò trao đổi để người dân làm thế nào cho đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên chúng tôi mừng lắm!"
Theo báo cáo đánh giá của Huyện ủy Mù Cang Chải, việc triển khai thực hiện kế hoạch "Ngày cuối tuần cùng dân" đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm thay đổi cơ bản ý thức thực hiện và chấp hành pháp luật của nhân dân; giúp cơ sở triển khai hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh góp phần nhanh chóng đưa các Chỉ thị, Nghị quyết vào đời sống nhân dân. Mặt khác, tạo không khí lao động với tinh thần tự nguyện, tự giác của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng những việc làm thiết thực.
Đồng thời, kế hoạch "Ngày cuối tuần cùng dân" góp phần tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết; tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền cơ sở. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, động viên người dân hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, cơ sở. (Xem tiếp Bài 2: Cú hích đột phá trong giảm nghèo)
Đức Tưởng