Nụ cười các em học sinh dân tộc thiểu số Jrai khi ăn bữa cơm thiện nguyện đầu tiên tại trường. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Ông Võ Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ia Pa cho biết, đây là một hoạt động thiện nguyện mang ý nghĩa nhân văn trong ngành Giáo dục tại các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài việc hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số nghèo có bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, chương trình còn giúp duy trì sỹ số học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Bước đầu, Chương trình đã nhận được sự đồng tình của nhiều “mạnh thường quân” và sắp tới sẽ nhân rộng ra nhiều trường trên địa bàn huyện.
Trường Tiểu học Kim Đồng hiện có gần 400 học sinh của 5 khối lớp, bước đầu nhà trường thực hiện chương trình “Cơm có thịt” cho hơn 100 học sinh khối lớp 1. Đây là ngôi trường có 100% học sinh người dân tộc Jrai, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng không nằm trong diện xã vùng 3 nên địa phương không được hưởng chế độ hỗ trợ học bán trú.
Trước tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy ngày càng nhiều kéo theo chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số chưa cao, thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường đã trăn trở và tìm cách giữ chân học sinh lại trường bằng việc trích nguồn kinh phí từ tiền lương hàng tháng để làm thiện nguyện, hỗ trợ suất ăn trưa, giúp các em lớp 1 có thể học 2 buổi/ngày.
Suất cơm thiện nguyện dành cho học sinh dân tộc thiểu số trong chương trình "Cơm có thịt" đầu tiên tại Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Được sự đồng tình của tất cả giáo viên trong trường cùng sự ủng hộ của một số nhà hảo tâm, chương trình “Cơm có thịt” đã bước đầu thành công. Nhà trường sẽ dựa vào nguồn kinh phí vận động được để tiếp tục thực hiện chương trình cho học sinh các khối lớp khác có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Trần Đăng Khoa cho biết: Nhiều năm công tác ở đây, tôi hiểu rõ cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại địa phương còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Bản thân tôi đã ủng hộ chương trình 100 triệu đồng để có kinh phí hoạt động đến hết năm học. Chương trình được tổ chức với mục tiêu tất cả học sinh lớp 1 ở lại ăn trưa tại trường để các thầy cô dạy 2 buổi/ngày, phấn đấu 100% học sinh khi học hết chương trình lớp 1 đều biết đọc, biết viết Tiếng Việt. Đồng thời, việc này cũng giúp ngành Giáo dục Ia Pa duy trì sỹ số học sinh, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn của học sinh vùng khó.
Hồng Điệp