Nông dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, chăm sóc cây thanh trà. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Đáng chú ý, đây là thời kỳ quả thanh trà ở Thừa Thiên - Huế đang bắt đầu phát triển mạnh (từ tháng 6-9). Vì thế, thời kỳ này cây thanh trà cần nước rất cao, duy trì độ ẩm đất từ 70-75% thường xuyên. Nếu giai đoạn này không được tưới nước đầy đủ, quả sẽ chậm lớn, vỏ dày, khi có mưa, độ ẩm thay đổi đột ngột dẫn đến nứt quả, quả rụng hàng loạt, chất lượng thấp, mẫu mã không được đẹp. Để chủ động chống hạn cho cây đặc sản thanh trà, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khuyến cáo và tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng phó nắng hạn, tưới thích hợp cho cây trồng. Theo đó, các chủ nhà vườn có thể duy trì độ ẩm đất thường xuyên bằng cách áp dụng các biện pháp tưới khác nhau, như tưới bề mặt (tưới tràn hoặc tưới theo rãnh), tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa... Để tưới có hiệu quả, các chủ nhà vườn cần chọn phương pháp tưới phù hợp với điều kiện đất đai, điều kiện địa hình và nguồn nước, khả năng đầu tư... Phương pháp tưới phù hợp nhất hiện nay đối với các vườn thanh trà là áp dụng cách tưới phun mưa. Kỹ thuật tưới phun mưa là sử dụng máy bơm nước cột áp cao kèm theo ống dẫn và mũi phun tạo mưa. Đây là phương pháp tưới hiện đại có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, kích thích sinh trưởng; với hình thức tưới này vừa tiết kiệm tài nguyên nước, vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện và công lao động... Người dân cần chú ý không được tưới đẫm nước đột ngột gây nên hiện tượng nứt quả, rụng quả do sức trương hạt lớn hơn sức căng vỏ quả.
Lễ hội thanh trà Huế. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Các hộ tham gia mô hình tưới phun được các địa phương trong tỉnh hỗ trợ một phần các vật tư đường ống, máy bơm, thiết kế và thi công lắp đặt đường ống phần còn lại người dân tự bỏ kinh phí để hoàn thành hệ thống tưới cho các vườn thanh trà. Điển hình, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà có diện tích thâm canh khoảng 120 ha cây thanh trà. Phường đã ứng dụng hệ thống tưới nhỏ phun cho thanh trà. Mô hình này ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ phun cho vườn thanh trà thời kỳ sản xuất đã đem lại hiệu quả lớn cho bà con nông dân, vừa tiết kiệm tiền, chi phí nhân công, lại tăng năng suất và chất lượng cho thanh trà thương phẩm. Cách tưới này thay cho cách tưới tràn trước đây, khắc phục được các hạn chế như không tiết kiệm lượng nước, rửa trôi đất, phân bón... và chỉ cung cấp nước cục bộ không cải thiện được tiểu vùng khí hậu. Các nhà vườn thanh trà tại phường Hương Vân được tập huấn về hệ thống tưới, cách vận hành hệ thống, các biện pháp thâm canh cây thanh trà. Hàng tuần có cán bộ kỹ thuật thăm điểm, theo dõi, tư vấn xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc cây thanh trà. Hệ thống tưới được lắp đặt trong các điểm của mô hình hoạt động tốt, cung cấp đủ nước trong mùa khô đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây thanh trà. Chính nhờ cách làm hệ thống tưới phun, cộng với các biện pháp thâm canh như tăng cường bón phân hữu cơ nên năng suất và chất lượng thanh trà tăng lên rõ rệt. Ở phường Thủy Biều, thành phố Huế, những năm gần đây, thanh trà mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo khung lịch thời vụ, giai đoạn thanh trà kết trái, phát triển khoảng từ cuối tháng 6 đến tháng 9 hàng năm thu hoạch, ở giai đoạn này, thanh trà dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng. Theo ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thủy Biều, thời điểm này, nếu bình thường, người trồng sẽ bón kali để tăng độ ngọt cho trái, song nắng nóng khiến cây phát triển chậm, nhiều diện tích bị cháy cuống do ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu rọi. Hiện, có từ 10-15% diện tích cây thanh trà rải rác ở Thủy Biều bị chết khô do nắng nóng. Toàn phường có tới 145ha thanh trà, nhưng do nắng nóng, người trồng phản ứng chậm nên nhiều diện tích bị cháy ngọn. Một số vườn, trái thanh trà bị đen, nám vỏ. Còn khoảng 1,5 tháng nữa thanh trà sẽ vào vụ thu hoạch, nắng nóng, thiếu nước tưới nếu không tăng cường chăm sóc, nguy cơ mất mùa thanh trà rất cao. Không chỉ ở Thủy Biều, tại những địa phương có diện tích thanh trà lớn trên địa bàn tỉnh như: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Nhu cầu về nước đối với cây thanh trà rất lớn, đặc biệt vào giai đoạn này, nhưng phần lớn bị hạn hán do thiếu nguồn nước tưới. Đối với những diện tích ở bãi bồi, ven sông thì có thể dùng máy bơm, đường ống bổ sung nguồn nước cho cây. Tuy nhiên, những vùng trồng thanh trà ở gò đồi, cách xa nguồn nước thì rất khó khăn, nan giải trong việc chống hạn. Thừa Thiên - Huế hiện có gần 860 ha trồng cây thanh trà, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế. Ngoài việc tích cực tưới, bổ sung nước cho cây thanh trà, các chủ vườn thực hiện thêm các biện pháp che, bọc trái để hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào quả thanh trà, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng...
Quốc Việt