Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập

Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập

Là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người trồng chè Thái Nguyên, tuy nhiên, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” hiện mới nổi danh trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã tích cực triển khai xây dựng mã số vùng trồng trên cây chè. Đây được coi là chìa khóa quan trọng cho chè Thái Nguyên hội nhập quốc tế bền vững.

Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập ảnh 1Sản xuất chè tại HTX chè Nhật Thức, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích chè gần 4.500 ha. Xã có gần 40 hộ thuộc hai xóm Cầu Đá và Non Bẹo tham gia xây dựng mã số vùng trồng với diện tích 11,4 ha. Sản phẩm chè của Hoàng Nông chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi triển khai mã số vùng trồng trên cây chè, nhiều người dân ở Hoàng Nông đã hiểu được giá trị và lợi ích khi áp dụng mô hình này.

Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập ảnh 2Nông dân xã Phục Linh (Đại Từ, Thái Nguyên) chăm sóc vùng sản xuất chè an toàn. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Ông Vũ Văn Tần ở xóm Cầu Đá chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2 mẫu chè, bắt đầu tham gia áp dụng mã số vùng trồng từ tháng 2/2022, khi áp dụng phương pháp canh tác này, tôi nhận thấy cây chè khỏe hơn, lá mập, búp dày, ít sâu bệnh và cái mà người nông dân mừng nhất là môi trường sống trong lành hơn rất nhiều”.

Với năng suất mỗi năm thu hái từ 7-8 lứa chè, mỗi lứa được 3 tạ búp khô, giá bán bình quân khoảng 200 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Tần cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây chè.

Cũng như ông Tần, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở xóm Cầu Đá cũng áp dụng mã số vùng trồng trên cây chè từ tháng 12/2021. Ông Sáu mong muốn, sản phẩm chè được tiêu thụ mạnh hơn nữa, không chỉ ở trong nước mà xuất sang nhiều nước trên thế giới. Việc áp dụng mã số vùng trồng cũng không quá phức tạp, chỉ cần chú tâm là nhà nào cũng có thể triển khai được.

Điều kiện để được triển khai mã số vùng trồng không quá khắt khe, tuy nhiên phải đúng quy trình. Cụ thể: bà con cần áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, tuân thủ việc ghi chép, bảo quản nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu… Ngoài ra, các vùng trồng phải nhận diện được GPS.

Ở xã Hoàng Nông, cây chè được xác định là cây mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Ông Phùng Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết, từ những mô hình đầu tiên triển khai xây dựng mã số vùng trồng, nhiều người trồng chè ở Hoàng Nông đã hình thành cách làm mới trong chăm sóc và sản xuất chè theo đúng quy chuẩn quốc tế. Xã cũng đã xây dựng lộ trình và giải pháp cụ thể để nâng cao giá trị cho cây chè với mong muốn sản phẩm chè của Hoàng Nông sẽ có mặt và chinh phục tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Huyện Đại Từ hiện có khoảng 6.400 ha chè; trong đó chè cành, chè lai chất lượng cao chiếm khoảng 80% diện tích. Trong những năm qua, Đại Từ xác định chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch và đặt mục tiêu hướng tới xuất khẩu. Do vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng trên cây chè là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đại Từ tập trung triển khai.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ cho biết, để triển khai rộng rãi mã số vùng trồng trên cây chè, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu được những lợi ích mà mô hình này mang lại.

Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập ảnh 3Đóng gói chè tại HTX chè Nhật Thức, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Đồng thời, thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong việc triển khai áp dụng mã số vùng trồng. Hiện nay, giá trị xuất khẩu chè Đại Từ chưa cao, chủ yếu là thị trường trong nước, do vậy, việc triển khai xây dựng mã số vùng trồng trên cây chè là hướng đi tất yếu nhằm từng bước nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Để khuyến khích người dân áp dụng mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên còn phối hợp với một số đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ có uy tín trên thị trường nhằm mang tới cho người dân những sản phẩm tối ưu, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện quy trình mã số vùng trồng. Ngoài ra, khi được cấp mã số vùng trồng, các đơn vị này sẽ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Điều này góp phần từng bước hình thành mối liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè.

Chè Thái Nguyên hiện được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhưng chủ yếu là chè nguyên liệu với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá trên thị trường thế giới. Các nước nhập về chủ yếu dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên, để có sản phẩm chất lượng cao và đạt các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chè phải kiểm soát được quá trình canh tác và thu hái chè búp tươi từ vùng cung cấp nguyên liệu.

Đồng thời, phải từng bước thực hiện số hóa trong quản lý sản xuất và thực hiện cấp mã số vùng trồng để kiểm soát nghiêm ngặt quy trình sản xuất và đảm bảo tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng cho 17 vùng sản xuất với sự tham gia của gần 240 hộ thuộc 16 hợp tác xã và 1 công ty với tổng diện tích hơn 108 ha; trong đó, chủ yếu là cây chè. Hầu hết bà con đều thực hiện sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.

Có thể nói, việc triển khai mã số vùng trồng là giải pháp quan trọng nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu, thúc đẩy sự liên kết và hình thành các chuỗi giá trị bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và điều kiện sống an toàn cho người nông dân.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm