Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), nơi có nghề bánh lọc truyền thống được truyền lại từ bao đời, anh Hồ Minh Thạnh (36 tuổi) đã đầu tư máy móc, sản xuất cũng như xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm "Bánh lọc Huệ". Đến nay, thương hiệu này đã trở thành một sản phẩm chất lượng, được chứng nhận 3 sao Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Trị.
Lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị tinh túy của cha ông
Nổi tiếng từ xa xưa, khi nhắc đến những sản vật nổi tiếng của Quảng Trị, trong tâm thức mỗi người dân miền Trung lại hiện lên món bánh lọc Mỹ Chánh nóng hổi, dẻo ngon, tròn vị. Sinh ra và lớn lên tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh được xem là cái nôi của món ăn "trứ danh" này, anh Thạnh gần như đã gắn bó với cả cuộc đời mình với chiếc bánh lọc. Từ thuở còn bé, món bánh lọc xuất hiện trong những mâm cỗ ngày rằm, lễ, Tết và lớn lên trở thành "kế sinh nhai" nuôi sống cả gia đình anh.
Với quyết tâm muốn giữ gìn ngành nghề truyền thống của quê hương, anh Thạnh bắt tay vào triển khai mô hình sản xuất và bán bánh lọc từ năm 2014. Những năm đầu, bánh lọc của anh chủ yếu được hai vợ chồng tự tay chế biến rồi bán cho khách qua quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hải Chánh và các đơn đặt hàng trong tỉnh. Sau này, khi chất lượng bánh được khẳng định, đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh nhiều hơn, anh bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm lao động, mua sắm máy móc.
Anh Hồ Minh Thạnh chia sẻ: May mắn tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ Chánh, địa phương có món bánh lọc nổi tiếng gần xa nên tôi muốn góp phần giữ gìn và phát triển món ăn "đặc sản" này. Để làm bánh ngon, vợ chồng tôi đã học hỏi nhiều kiến thức, bí quyết của các bậc lão thành lành nghề trong thôn, cùng với đó, là sự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn mới có thể thành công.
Theo anh Thạnh, bánh lọc làm ra phải có hương vị đặc thù, tinh túy riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có được. Bánh ở cơ sở của anh Thạnh được gói bằng lá chuối sứ và chuối đá nên khi hấp ra lá bánh có màu xanh rất đẹp; nhân bánh có hai loại thịt và chay với nhiều nguyên liệu khác nhau.
"Ở khâu này chúng tôi lựa chọn mua nguyên liệu sẵn có tại địa phương do bà con sản xuất ra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tươi. Riêng về bột bánh, chúng tôi sử dụng tinh bột sắn được đánh bằng tay nên bánh sau khi nấu có độ dẻo, thơm quyện với nhân bánh rất ngon… Dù ở khâu nào thì trong quá trình làm, chúng tôi luôn đảm bảo 3 tiêu chí: sạch, tươi, ngon để tạo ra được những chiếc bánh chất lượng trước khi bán ra thị trường", anh Thạnh cho hay.
Có lẽ chính vì tiêu chuẩn chất lượng được anh Thạnh gói ghém trọn vẹn trong từng chiếc bánh nên đã góp phần đưa thương hiệu "Bánh lọc Huệ" nói riêng và Bánh lọc Mỹ Chánh nói chung trở thành món ăn nức tiếng gần xa, giữ chân thực khách khi có dịp dừng chân, ghé thăm mảnh đất Hải Chánh, Quảng Trị…
"Bánh lọc Huệ" – Sản phẩm OCOP tiêu biểu
Với mong muốn tìm chỗ đứng vững chắc lâu dài trên thị trường, anh Thạnh đã xây dựng thương hiệu "Bánh lọc Huệ" với đầy đủ các quy trình từ khâu đăng ký thương hiệu đến kiểm nghiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng khoa học kĩ thuật vào công nghệ làm bánh, anh Thạnh cũng đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại như: máy hút chân không, nồi hấp bánh công nghiệp, máy nghiền bột… Bánh lọc được sản xuất ra sẽ được hút chân không đóng gói với đầy đủ tem, nhãn mác, hạn sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ.
Hiện nay, bánh lọc do hộ gia đình anh Thạnh sản xuất được tiêu thụ chủ yếu ở một số tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Nội… Anh cũng đã liên kết với một số địa điểm bán hàng đặc trưng tiêu biểu của huyện Hải Lăng và thành phố Đông Hà để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, anh Thạnh đã đăng ký sản phẩm bán trên các trang thương mại điện tử và tham dự tại các hội chợ xúc tiến thương mại của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị tổ chức. Mặt khác, liên kết các tour du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Với những nỗ lực của mình, năm 2021 sản phẩm bánh lọc Huệ của anh Thạnh đã được tỉnh Quảng Trị công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, giải nhất cấp huyện về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Hải Lăng.
Anh Thạnh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Hải Chánh có 45 hộ làm bánh lọc cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để giữ gìn và phát triển ngành nghề của cha ông lâu dài, tránh sự manh mún, nhỏ lẻ, mong rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương quan tâm thành lập tổ hợp tác sản xuất bánh lọc. Mặt khác, hỗ trợ khoa học công nghệ, máy móc để bà con có thể mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, hướng tới xây dựng và phát triển làng nghề với quy mô lớn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết vấn đề việc làm…
Bà Nguyễn Thị Quyên (60 tuổi), thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh cho biết: "Tôi làm tại hộ sản xuất 'Bánh lọc Huệ' cũng đã được 8 năm rồi, mức lương mỗi tháng 6 triệu, thu nhập ổn định, ngày lễ, Tết được thưởng cao hơn. Tôi thấy thương hiệu bánh phát triển tốt, không chỉ góp phần giữ gìn, lưu giữ món ăn của quê hương mà còn tạo thu nhập cho những người dân như chúng tôi".
Những ngày cuối năm, không khí sản xuất tại hộ gia đình làm bánh lọc của anh Thạnh diễn ra vô cùng tất bật, khẩn trương. Người chuẩn bị nguyên liệu, người làm nhân, người gói bánh, quá trình làm bánh diễn ra liên tục để đáp ứng các đơn hàng đã đặt trước. Trung bình 1 ngày cơ sở của anh sản xuất từ 1.500-3.000 cái bánh, lúc cao điểm vào dịp lễ, Tết, rằm mỗi ngày 5.000 – 10.000 cái. Hiện nay, giá bán của bánh lọc 2.500 đồng/cái. Trung bình mỗi năm doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với số tiền khoảng 6 triệu đồng/tháng/người và khoảng 10 lao động thời vụ…
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Chánh cho biết: Anh Hồ Minh Thạnh là một tấm gương tiêu biểu đi đầu trong sản xuất và nâng tầm món ăn đặc sản bánh lọc của quê hương ngày càng đi lên, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. "Bánh lọc Huệ" là một sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Với sự nhiệt huyết của mình, anh đi đầu áp dụng công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật vào sản xuất, giới thiệu và bán hàng đạt hiệu quả tốt.
Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ anh Thạnh trong việc đăng kí nhãn hiệu OCOP, liên kết quảng bá mở gian hàng tại các hội chợ… Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã cũng đã có định hướng sẽ thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh lọc Mỹ Chánh để tập hợp các hộ sản xuất bánh lọc trong xã, qua đó tạo sự đồng nhất về mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất, quảng bá đến giới thiệu. Từ đó, xây dựng và phát triển được thương hiệu đặc trưng của địa phương ngày càng đi lên góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm ổn định, xây dựng quê hương ngày càng đi lên…
Thanh Thủy