Máy rang cà phê tại gia đình K’Luys. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN |
Điểm khác biệt của sản phẩm cà phê K’Ho là được gia đình K' Luys tự tay thực hiện tại nhà từ khâu thu hoạch, chế biến, rang xay... Chị Ka Dỏi (chị gái của K’Luys) cho biết, để tạo ra sản phẩm ngon, chất lượng cao, nhân cà phê sau khi thu hoạch 4 tháng mới được đem ra rang xay và pha trộn. Do gia đình đều là công chức nhà nước nên chủ yếu tranh thủ làm buổi tối và các ngày nghỉ cuối tuần để kịp đủ hàng giao cho khách. K’Luys chia sẻ về ý tưởng sản xuất cà phê sạch của người K’Ho. Khi đang học tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh tham gia nhóm từ thiện với người nước ngoài và thường xuyên dẫn họ về buôn làng chơi. Sau những đợt tiếp xúc và tặng sản vật, trong đó có cà phê, nhiều người bạn ngoại quốc đã động viên anh thành lập một thương hiệu cà phê riêng của dân tộc K’Ho. “Mình nghe rất hợp lý, bởi ở địa phương vẫn chưa có thương hiệu cà phê riêng của người K’Ho. Cuối năm 2016, mình quyết định sản xuất cà phê sạch bán ra thị trường” - K’Luys kể.
Hạt cà phê được chọn lựa kỹ càng trước khi đưa vào rang xay. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN |
Nghĩ là làm, K’Luys về bàn bạc với cha mẹ sử dụng vườn cà phê rộng 3ha của gia đình làm vùng nguyên liệu phục vụ việc chế biến cà phê sạch. Nhằm đảm bảo chất lượng cà phê, anh và gia đình chỉ sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc sinh học và nói không với thuốc hoá học độc hại. Đến mùa thu hoạch, những quả cà phê chín đỏ mới được thu hái, sau đó được đem về tách vỏ, nhân cà phê thô được phơi khô và để một thời gian sau mới rang xay, chế biến. Để đảm bảo chất lượng cho cà phê, K’Luys đầu tư mua một máy rang cà phê hiện đại và một máy xay cà phê loại nhỏ. Các công đoạn phân loại hạt, rang xay, pha trộn, đóng gói được thực hiện ngay tại nhà, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xay cà phê bột tại nhà của K’Luys để cung cấp cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN |
KBR – Cà phê đậm chất Tây Nguyên chính là thương hiệu và “slogan” về sản phẩm cà phê của chàng thanh niên dân tộc K’Ho. Sản phẩm đã được K’Luys đăng ký nhãn hiệu độc quyền và gửi mẫu cho cơ quan y tế kiểm tra chất lượng trước khi phân phối ra thị trường (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, anh còn lập trang facebook để bán hàng online cho khách trong và ngoài nước, với số lượng bán ra trên dưới 1 tấn cà phê thành phẩm kể từ đầu năm 2018 đến nay. Giá trung bình mỗi kg cà phê dao động từ mức 180.000 – 200.000 đồng tùy loại.
K’Luys đóng gói sản phẩm cà phê K’Ho KBR tại nhà. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN |
Với đầu ra ổn định như hiện nay, ngoài 3 ha cà phê của gia đình, K’Luys còn tổ chức thu mua cà phê của bà con trong vùng dưới dạng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên cà phê phải đảm bảo yêu cầu không ẩm mốc, độ chín đạt 90% và được trồng theo quy trình sạch hoàn toàn (chỉ sử dụng phân bón và thuốc có nguồn gốc sinh học). Hiện sản phẩm cà phê của KBR gồm 2 loại chính, cà phê mộc và cà phê trộn (hỗn hợp các loại cà phê mít, arabica, robusta). Trong đó, sản phẩm cà phê mít là loại khá đặc biệt lần đầu được thử nghiệm pha trộn với các loại cà phê khác. Trong tương lai, chàng trai người K’Ho đã hoạch định sẵn con đường phát triển sản phẩm cà phê KBR. Sau chiến lược “ra mắt” ở thị trường Sài Gòn bằng những điểm bán cà phê ở vỉa hè, K’Luys sẽ bắt tay nghiên cứu xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê KBR – trong đó nhấn mạnh yếu tố văn hoá bản địa của người K’Ho để tạo sự khác biệt cho thương hiệu của mình. “Nguyên tắc chung là mình hướng đến cà phê chất lượng cao đi kèm giới thiệu văn hoá bản địa của dân tộc K’Ho. Qua đó tự làm chủ giá trị cà phê của người K’Ho” – anh K’Luys chia sẻ.
Nguyễn Dũng