Biểu tượng của vũ điệu dâng trời
Với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam), cây nêu (x’nur) là vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội văn hóa truyền thống. Bởi, ngoài là nơi để cột dây buộc con trâu theo nghi thức lễ hội “ăn trâu”, cây nêu còn có vai trò hết sức đặc biệt trong văn hóa của đồng bào vùng cao: biểu tượng về vũ điệu da dá - vũ điệu dâng trời.
Với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam), cây nêu (x’nur) là vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội văn hóa truyền thống. Bởi, ngoài là nơi để cột dây buộc con trâu theo nghi thức lễ hội “ăn trâu”, cây nêu còn có vai trò hết sức đặc biệt trong văn hóa của đồng bào vùng cao: biểu tượng về vũ điệu da dá - vũ điệu dâng trời.
Cây nêu - biểu trưng văn hóa trong các dịp lễ hội truyền thống ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Nghệ nhân Bh’riu Pố, ở thôn Rớh (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) cho hay, vẻ đẹp đặc trưng của cây nêu, ngoài các họa tiết được trang trí đẹp mắt từ thân cây đến ngọn, còn có hình tượng của cặp “ta-cooi”, được gắn trực tiếp từ thân nêu. Vì thế, “ta-cooi” được ví như cánh tay giương cao của người phụ nữ, dâng lên trời tạo hình điệu múa da dá truyền thống, thể hiện niềm tin và ngưỡng vọng của cộng đồng vùng cao, với hai bên là hai con gà trống đối xứng. Trên cặp “ta-cooi”, những họa tiết được vẽ theo hoa văn thổ cẩm Cơ Tu đa màu sắc, tạo nên điểm nhấn cho cây nêu trước gươl làng. Ngoài ra, gần ngọn nêu bao giờ cũng có họa tiết hình chữ nhật (apác), hai đầu nối với hình trụ của nêu, tượng trưng cho cối và chày trong đời sống sinh hoạt của người vùng cao. Chiếc apác được kỳ công bởi những hình tượng con rồng và các họa tiết về loài hoa đh’lôm, hoa p’lang rực rỡ, ví như sắc đẹp quyến rũ của người phụ nữ Cơ Tu. Trong đó, phần trên ngọn nêu là vòng p’pa (tổ), nơi để già làng đại diện ném lễ vật linh thiêng khi kết thúc lễ hội, hàm ý cầu trời đất ban điều lành cho cộng đồng làng. “Dù là người Cơ Tu ở vùng cao hay vùng thấp, trên cây nêu bao giờ cũng có điểm chung về cấu trúc, cùng hình tượng và họa tiết các con vật thiêng nhất trong đời sống, tín ngưỡng của đồng bào. Cây nêu càng lộng lẫy, hoa văn càng đẹp, độc đáo càng thể hiện giá trị và tính thẩm mỹ cao. Bởi cây nêu chính là biểu tượng về sức mạnh, tinh thần đoàn kết của người vùng cao. Cây nêu còn mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Cơ Tu trong cuộc sống” - già Pố cho biết thêm.
Già làng ném lễ vật linh thiêng lên vòng p’pa (tổ) khi kết thúc lễ hội, cầu trời đất ban điều lành cho cộng đồng làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Cũng theo già Pố, trong các dịp lễ hội truyền thống Cơ Tu, tại trung tâm cây nêu bao giờ cũng có hai cây đ’đoong bằng tre từ bên ngoài chụm vào nhau, tạo thành vòng cung lớn. Bên cạnh tô thêm vẻ đẹp cho cây nêu, hai cây đ’đoong còn có mục đích “định vị” phạm vi không gian diễn ra lễ hội. Và, trong bất kỳ ngày hội truyền thống, cây nêu đều được trang trí đủ sắc màu, lung linh dưới ánh nắng mới rất đẹp mắt. Những chàng trai, cô gái Cơ Tu say sưa bên vũ điệu tâng tung da dá truyền thống nhảy quanh cây nêu, hòa theo nhịp chiêng vui rộn rã.
“Cột mốc” cộng đồng làng
Khác với đồng bào Cơ Tu, cây nêu của người Co ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) thường có 3 loại chính, gồm: nêu ôzô (dùng để cúng giỗ ông bà tổ tiên), nêu ôrát (ăn trâu lá, cúng các vị thần sông, thần suối, thần núi) và cây nêu ô cờtrấu (ăn trâu huê, cúng thần trời, thần đất, thần nước), có vai trò như “cột mốc” của cộng đồng làng, thể hiện sức mạnh về tình đoàn kết ở vùng cao. Theo đó, mỗi cây nêu hoàn thành có chiều cao trung bình 5 - 9m, với 3 phần chính là đỉnh, thân cây (bao gồm các bộ gu, mâm cúng, chuỗi hạt cườm) và phần gốc có nài cột trâu. Già làng Hồ Văn Hành (ở thôn 2A, xã Trà Kót, Bắc Trà My) chia sẻ, nghi thức dựng nêu của người Co phải qua 2 bước cúng ông bà, tổ tiên, cùng các thần sông, thần núi. Đi kèm với cây nêu là những bộ gu đầy màu sắc, mang giá trị văn hóa rất đặc trưng của tộc người Co, thường được đặt trong nhà để làm chức năng thờ cúng. “Người Co xem tục ăn trâu huê là lễ hội lớn nhất trong năm, vì thế cây nêu cũng được thực hiện theo quy mô tương xứng và được dựng phía ngoài sân, nơi diễn ra các nghi thức cúng tế, sinh hoạt giao lưu văn hóa cồng chiêng. Trước ngày diễn ra lễ hội, những người làng từ già đến trẻ cũng đều hợp sức thực hiện, coi đó là một phần trách nhiệm của bản thân với làng, với văn hóa cha ông” - già Hành bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cây nêu và bộ gu có vai trò hết sức đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Co và là biểu tượng không thể thiếu tại các dịp lễ hội. Cây nêu vì thế được xem là tâm điểm của lễ hội, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống của dân làng. “Đến với lễ hội của đồng bào Co, cây nêu bao giờ cũng được quan tâm đầu tiên, với những họa tiết sặc sỡ, cao vút, nằm ở trung tâm hội làng. Cùng với nhịp cồng chiêng rộn rã, đồng bào Co cùng nhau vui múa các vũ điệu truyền thống quanh cây nêu nhằm tạ ơn với thần linh, ca ngợi tinh thần đoàn kết cộng đồng và cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, dân làng yên vui, ấm no, hạnh phúc” - ông Bình nói.
Theo baoquangnam.vn