Chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Những ngày này, người trồng đào ở Sơn La đang tất bật, hối hả cưa, chặt cành, cây đào trồng để cung cấp ra thị trường.
Hiện nay, diện tích trồng cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng hơn 5.000 ha, chủ yếu do đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng khó khăn trồng trên nương, đồi và vườn nhà. Riêng tại huyện Vân Hồ có khoảng 1.000 ha đất trồng cây đào; trong đó, có hơn 500 ha đào có thể khai thác bán vào dịp Tết Nguyên đán. Cành và cây đào trồng mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.
Lóng Luông là một trong những xã có diện tích trồng đào lớn nhất của huyện Vân Hồ. Những năm gần đây, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân trồng nhiều đào. Bởi cành và gốc đào là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Theo đó, hàng năm, vào dịp trước Tết Nguyên đán hơn một tháng, người dân bắt đầu bán những gốc đào to, đẹp, có tuổi đời trên 5 năm cho các thương lái tại các tỉnh miền xuôi như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội… để về xử lý, lai ghép cho ra hoa phục vụ thị trường. Còn đào cành chơi Tết sẽ được người dân bán từ đầu tháng 12 Âm lịch, nhộn nhịp, sôi nổi nhất là từ mùng 10 - 25 Âm lịch.
Là một trong những hộ trồng và bán cành, gốc đào lâu năm, anh Mùa A Tành, dân tộc Mông, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ chia sẻ, trước đây gia đình anh trồng đào chủ yếu là lấy quả ăn và bán ra thị trường. Nhận thấy cành, gốc đào bán vào dịp Tết có thu nhập cao hơn, bởi vậy, gia đình anh đã tập trung đầu tư công sức để duy trì và mở rộng thêm diện tích trồng qua các năm.
Theo anh A Tành, những gốc cây đào trồng được hơn 10 năm, sẽ bán với giá khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Còn những gốc trồng từ 3 - 5 năm, giá khoảng 500 nghìn - 800 nghìn đồng/gốc. Với những gốc tuổi đời lên đến vài chục năm, gốc xù xì, rêu, mốc trắng, có thể được bán với giá hàng chục triệu đồng. Đối với đào cành, những cành to, đẹp, nhiều nụ giá dao động từ 400 nghìn - 700 nghìn đồng/cành; cành nhỏ hơn thường có giá từ 100 nghìn - 200 nghìn đồng/cành. Cây đào đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ dân trong bản, trong xã. Riêng gia đình anh Tành, năm nay anh dự kiến sẽ có thu nhập từ 70 triệu – 100 triệu đồng từ bán cành, cây đào.
Anh Trần Minh Quang, thương lái từ Hà Nội cho biết, mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, anh Quang cùng một số bạn bè đều lên các huyện Vân Hồ, Mộc Châu thu mua cành đào để về xuôi kinh doanh. Năm nay, thời tiết thuận lợi, người dân cũng trú trọng đến khâu chăm sóc nên đào phát triển tốt, cây khoẻ, cành to, đẹp, nhiều nụ, hoa nở vào đúng dịp Tết. Vì vậy, giá đào cành dự kiến sẽ cao và bán chạy hơn năm trước.
Những năm trở lại đây, cây đào đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng đào, nhiều hộ đã có thu nhập từ 150 triệu - 300 triệu đồng/năm. Qua đó, giúp ngày càng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đồng vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc huyện Vân Hồ nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ Thái Bá Sinh cho biết, toàn huyện hiện có trên 500 ha cây đào có thể cho khai thác, thu hoạch, được người dân trồng tập trung ở các xã Lóng Luông, Vân Hồ và một số xã vùng cao; trong đó, diện tích đào trồng lấy quả khoảng 240 ha, lấy cành hơn 255 ha. Năm 2023, dự kiến sẽ có khoảng 100 ha đào được khai thác, thu hoạch để phục vụ thị trường dịp Tết.
Ông Thái Bá Sinh cho biết thêm, dịp Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch chính của các hộ trồng đào. Bởi vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền trong huyện luôn tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, huyện cũng đưa ra các phương hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, để họ yên tâm trồng, chăm sóc, khai thác, kinh doanh, buôn bán đào. Nhờ đó, diện tích trồng cây đào của huyện luôn được duy trì ổn định; người dân có thêm thu nhập, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo và trở thành hộ khá tại địa phương./.
Quang Quyết