Phát triển kinh tế và làm giàu từ cây ăn quả có múi đã không còn là điều hiếm thấy tại nhiều địa phương ở tỉnh Sơn La. Cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân ở các bản làng vùng cao, biên giới. Từ đó, giúp họ xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Hiệu quả kinh tế vượt trội
Cây cam, quýt hiện là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của không ít hộ gia đình tại huyện Phù Yên. Qua nhiều năm triển khai mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc từ việc trồng tự phát, manh mún không theo mô hình, diện tích nhỏ lẻ, nay các hộ đã biết trồng tập trung, trên diện tích lớn, lựa chọn giống cây phù hợp với khí hậu và hiệu quả kinh tế cao. Riêng cây cam đường canh, mỗi 1 ha lợi nhuận mang lại giao động từ 400 – 600 triệu đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phấn, bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên có 1 ha diện tích trồng cam đường canh. Năm nay, dù chịu nhiều sâu bệnh hại nhưng năng suất, sản lượng cam tăng hơn so với năm trước và giá cả đầu mùa cũng cao hơn từ 5.000đ - 10.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Phấn chia sẻ, để có được năng suất, sản lượng cam ổn định, bà luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ chăm sóc cho tới thu hái quả. Do vậy, dù thu hoạch được gần 10 năm nhưng cây cam vẫn cho quả với năng suất ổn định. Năm nay cây cam cho quả nhiều gấp đôi so với vụ năm ngoái. Giá cả cũng tăng cao, ngay từ đầu mùa đã được bán với giá 40.000 đồng/kg. Dự kiến vụ năm nay, gia đình bà thu hái và bán ra thị trường khoảng 10 tấn cam đường canh.
Còn tại xã biên giới Mường Và, huyện Sốp Cộp, những ngày này nông dân cũng đang hối hả bước vào vụ thu hoạch cam, quýt. Toàn xã Mường Và hiện có gần 100 ha trồng cam, quýt, trong đó hơn 1 nửa đã cho thu hoạch. Trước đây, người dân ở đây chủ yếu trồng ngô, sắn và trồng giống cam địa phương cho năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt, ghép cành, ghép cây cải tạo giống cam địa phương nên đã dần có thương hiệu trên thị trường, được nhiều thương lái tìm mua, mang lại thu nhập ổn định.
Gia đình chị Lương Thị Hương Nồng, bản Nà Mòn, là một trong những gia đình trẻ làm kinh tế giỏi của xã Mường Và. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, gia đình chị đã chuyển đổi gần 2 ha diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng cây cam, quýt giống bản địa. Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đến nay mỗi vụ cam, gia đình chị thu gần 400 triệu đồng.
Chị Lương Thị Hương Nồng chia sẻ, ban đầu khi chuyển sang trồng cây ăn quả gia đình chỉ dám thử nghiệm trồng trên diện tích nhỏ. Sau một thời gian, thấy cây trồng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, sản phẩm đạt chất lượng cao nên gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất canh tác sang trồng cam, quýt. Hiện nay, đầu ra của cam, quýt luôn ổn định với mức giá dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg.
Tăng chất lượng
Để phát triển bền vững cây có múi, trong thời gian qua, các xã và cơ quan chuyên môn tại các địa phương đã tạo điều kiện hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật cung như có nhiều cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế vườn.
Đến nay, bên cạnh quan tâm đến năng suất, sản lượng thì những người nông dân đã chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm mình làm ra. Đa số nông dân đã chọn áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường.
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Lợi, bản Nà Mòn, xã Mường Và, Sốp Cộp, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đến nay đã 12 ha cây ăn quả có múi đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Vì Văn Doan, Giám đốc Hợp tác xã Duy Lợi cho biết, hợp tác xã chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép hoặc có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học. Với cách làm này, chất lượng cam, quýt Nà Mòn không ngừng được nâng lên, thị trường tiêu thụ luôn ổn định, tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm quả của hợp tác xã. Cũng vì thế, sản lượng của cam, quý cũng được tăng lên, trung bình đạt từ 8-9 tấn/ha. Vụ năm nay, hợp tác xã xuất bán được hơn 100 tấn quả với giá trung bình 25.000 đồng/kg.
Còn ở xã Mường Cơi, huyện Phù Yên nhiều người biết đến ông Nguyễn Duy Khanh, bản Nghĩa Hưng, là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với mô hình trồng cây ăn quả. Từ năm 2018, gia đình ông đã trồng trên 4 ha cây cam, bưởi và quýt Thái theo quy trình VietGAP.
Ông Khanh, cho biết, nhờ kiên trì tuân thủ quy trình sản xuất sạch và từng bước xây dựng thương hiệu, các loại quả của gia đình ông và các hộ nông dân trong vùng đã tạo được uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện, vườn cây ăn quả của gia đình ông đang từng bước được ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm quả các loại.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên Bạc Cầm Thị Xiêng, thời gian qua, huyện đã tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.
Ngoài ra, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo chuyên sâu, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất đảm bảo sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nâng cao chất lượng để liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi hơn cho người dân. Dự kiến năm nay sản lượng cây ăn quả có múi trên địa bàn đạt khoảng 2.200 tấn.
Hữu Quyết