Cây cao su bước đầu mang lại hiệu quả ở vùng cao Yên Bái

Cây cao su bước đầu mang lại hiệu quả ở vùng cao Yên Bái
Sau hơn 8 năm trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái đã cạo mủ và khai thác 60 ha cao su tại hai huyện Văn Chấn và Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau những lần khai thác cho thấy, bước đầu cây cao su đem lại năng suất và chất lượng mủ tương đối tốt, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương. Hiện công ty đang tích cực triển khai tập huấn kỹ thuật thu hoạch mủ cao su cho công nhân để đảm bảo chất lượng, sản lượng. 
Công nhân cạo mủ cao su ở Đội cao su xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN
Công nhân cạo mủ cao su ở Đội cao su xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN

Ông Phan Thúc Hào, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái cho biết, qua 2 đợt cạo mủ thu hoạch cho thấy chất lượng mủ tương đối tốt, hàm lượng DRC (hàm lượng cao su khô) cao su nguyên chất đạt 60% và sản lượng ban đầu đạt 7-8 tạ/ha. Đến nay, công ty đã thu hoạch được trên 22 tấn mủ đông, tương đương với 13 tấn mủ khô và ước tính nếu thu hoạch hết diện tích trên sẽ cho sản lượng mủ khô trên 20 tấn.

Bên cạnh đó, khi đưa cây cao su vào trồng còn góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Hiện công ty có 5 tổ đội sản xuất, tạo việc làm cho gần 200 công nhân lao động trực tiếp, hầu hết công nhân chủ yếu là đồng bào tại địa phương. Đến thời điểm khai thác mủ các công nhân này dậy từ lúc 3 giờ sáng để tiến hành cạo mủ trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại họ có thể về làm việc nhà, ruộng nương.

Ông Nguyễn Văn Nhân, công nhân ở đội cao su Sơn Lương, huyện Văn Chấn chia sẻ, ông tham gia vào đội cao su Sơn Lương ngay từ lúc bắt đầu triển khai dự án trồng cây cao su, đến nay đã được 8 năm; khi tham gia vào đội đã tạo việc làm ổn định cho ông, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Công việc này cũng không mất nhiều thời gian, ông vẫn có thể làm việc nhà. Trước đây, công việc của ông không ổn định, cứ ở đâu có việc gì thì ông lại đi làm thuê, mà thu nhập cũng không được nhiều.

Thời gian qua, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái luôn tập trung đưa ra nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích cao su. Dự kiến, đến năm 2020, công ty sẽ tiếp tục đưa 200 ha diện tích cao su vào khai thác, đưa diện tích khai thác lên 260 ha. Tuy nhiên, đây là giống cây mới và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác, vì vậy công ty đang đẩy mạnh triển khai việc tập huấn cho công nhân.
 
Cán bộ Công ty Cổ phần Cao su Yên Bái hướng dẫn công nhân đo xác định chất lượng cây cao su tại huyện Văn Chấn. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN
Cán bộ Công ty Cổ phần Cao su Yên Bái hướng dẫn công nhân đo xác định chất lượng cây cao su tại huyện Văn Chấn. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN

Ông Nguyễn Tất Lợi, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái cho biết, đối với tỉnh Yên Bái cây cao su trồng được 8 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch, quá trình thu mủ kéo dài hơn 20 năm. Vì vậy, việc thu hoạch phải đúng kỹ thuật mới đảm bảo được năng suất và sản lượng nếu không cây rất dễ bị bị bệnh và sản lượng thấp. Công ty trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị phục vụ khai thác.

Hiện công ty đã mở 2 lớp tập huấn cho công nhân, mỗi lớp tập huấn kéo dài trong 10 ngày cả lý thuyết và thực hành. Đối với những công nhân được đào tạo lớp đợt 1 hiện đã thành thục kỹ thuật cạo trên vườn cây, năng suất bước đầu rất tốt, sản lượng thu về đạt 0,4 đến 0,5 tấn/ha mủ khô. Thu nhập của công nhân tương đối ổn định.

Công ty cổ phần Cao su Yên Bái hiện đang quản lý, chăm sóc, bảo vệ gần 2.300 ha diện tích cao su bao gồm các giống chịu lạnh, được trồng tập trung tại địa bàn hai huyện Văn Chấn và Văn Yên. Trong tổng số gần 2.300 ha có trên 420 ha cây cao su sinh trưởng phát triển khá tốt, được xếp loại A, gần 800 ha được xếp loại B. Đối với 300 ha cây cao su trồng từ năm 2011 đang sinh trưởng, phát triển tốt, đã và sắp cho thu hoạch.

Thời gian tới, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái tích cực chăm sóc, bảo vệ diện tích cao su hiện có, tiếp tục mở các lớp tập huấn đào tạo cho công nhân để mở rộng diện tích thu hoạch và đảm bảo năng suất, chất lượng đạt hiệu quả, góp phần tạo việc làm nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đinh Thùy
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm