Là tấm gương sáng, đại diện ý chí, nghị lực và những nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình), Bí thư - Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long luôn làm tốt công việc của mình để cùng đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Anh Cao Xuân Long cũng thường xuyên cùng các chiến sỹ Biên phòng Đồn Cà Xèng dành nhiều thời gian đến với bà con để tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Với bà con người Rục, ai cũng bắt đầu cuộc đời bằng hai từ khó khăn nhưng riêng Long thì còn hơn thế nữa. Sinh năm 1996, tuổi thơ của Long không được lành lặn như bao người khác khi mới chỉ lên 10 tuổi bố chẳng may qua đời. Anh cùng 7 đứa em nheo nhóc khác mưu sinh khó khăn bên người mẹ suốt ngày đau yếu.
“Ngày đó đói lắm, chẳng biết đi học để làm gì nhưng em vẫn đến trường dù các bạn cùng trang lứa ở trong bản bỏ học dần qua năm tháng để theo bố mẹ vào rừng kiếm cái ăn”, Long bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như vậy.
Nhiều người ở bản Mò O Ồ Ồ vẫn còn nhớ như in cái bóng nhỏ nhoi, côi cút mỗi buổi sáng đến trường của Long trong những ngày học ở trường trong xã.
Ngày nắng đã đành, ngày mưa giá rét, miếng ăn không làm no cái bụng thế mà Long vẫn đến trường không sót ngày nào khiến cho ai trong bản cũng phải thán phục. Thương nhất là cái đận ấy, đi học về đói quá, Long hái trái cây rừng ăn bị ngộ độc ngất dưới suối, may nhờ bà con phát hiện kịp mới cứu được mạng sống từ tay thần chết. Ông Cao Kiến ở bản Mò O Ồ Ồ kể lại.
Học hết Tiểu học, Cao Xuân Long phải xa nhà gần 30 cây số để lên phố huyện học Trung học cơ sở. Ở huyện, Đảng và Nhà nước đã lo cho cái ăn, ấm cái bụng nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và các em cũng làm cho Long nhiều lần lung lay suy nghĩ hay bỏ học như các bạn để về còn giúp gia đình.
Long kể lại, chính trong những giấy phút phân tâm đó, lời thầy giáo dạy “nếu biết chữ, có tri thức sẽ làm chủ cuộc đời, có thể giúp được nhiều người” đã làm cho em thêm vững tâm để tiếp tục theo học cho đến khi hoàn thành Chương trình Phổ thông trung học vào năm 2014.
Cụ ông Hồ Píu, 62 tuổi chia sẽ, ở thời điểm ấy, tấm bằng tốt nghiệp 12 của Long đã là hàng hiếm đối với đồng Rục. Long quyết định về lại bản làng bằng kiến thức mình học được để xây dựng cuộc sống dù rằng anh đủ điều kiện để học thêm hoặc ly hương tìm kiếm hạnh phúc dễ dàng hơn ở những miền quê khác.
Trở về bản Mò O Ồ Ồ, với tấm lòng nhiệt huyết, năng nổ và sức trẻ dâng trào, Cao Xuân Long đảm đương nhiều việc chung của bản làng nên được mọi người quý mến, yêu thương. Năm 2016, anh được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đoàn bản Mò O Ồ Ồ. Một năm sau anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản. Vào năm 2019, một lần nữa với sự tín nhiệm tuyệt đối của đồng bào, Long lại tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng bản.
Không phụ tấm lòng tin yêu của mọi người, Long ngày càng cố gắng vươn lên, phát huy tấm lòng nhiệt huyết, nổ lực hơn trong vai trò lãnh đạo cùng đồng bào trong bản làng nâng cao sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Chỉ trong vài năm dưới sự lãnh đạo của Long bản Mò O Ồ Ồ đã có có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, trở thành điển hình ở xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa. Nếu trước đây, cả bản Mò O Ồ Ồ có tới 78/78 hộ đều thuộc diện nghèo, thì nay đã giảm xuống còn 34 hộ.
Không bằng lòng với những gì đạt được, Cao Xuân Long vẫn hàng ngày cần mẫn với công việc của mình để giúp bà con đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Anh chia sẻ rằng, 60 năm đồng bào Rục được Bộ đội biên phòng đưa ra từ hang đá nên các tập tục như săn, bắt, hái lượm, nạn uống rượu, chăn nuôi trâu bò thả rong cần được thay đổi hoặc loại bỏ.
Mới đây nhất, Long xây dựng ý tưởng để cùng bà con trong bản Mò O Ồ Ồ làm kiệt chăn nuôi trâu bò trâu bò tự nhiên. Ý tưởng của Long thật đơn giản mà trước đó không ai nghĩ ra là tận dụng một bên là vách núi dựng đứng, một bên được kéo dây thép gai vây bên ngoài với chiều dài gần 3 cây số để tạo ra một vùng đất tự nhiên gần 100 ha dùng chăn thả tự nhiên trâu bò cho bà con dân bản. Với kiệt chăn nuôi này, bà con trong bản về cơ bản không thay đổi tập quán chăn nuôi nhưng có thể theo dõi quản lý trâu bò và hạn chế trâu bò phá hoại mùa màng, phóng sinh bừa bãi gây mất mỹ quan thôn bản như thời gian qua. Đây là một ý tưởng hay, có nhiều giá trị, có thể áp dụng rộng rãi cho hoạt động chăn nuôi, sản xuất của bà con các huyện miền núi trên cả nước.
Với những thành tích đóng góp của mình, Cao Xuân Long đã nhận được nhiều bằng khen có giá trị nhưng có lẽ với anh, ghi nhận của bà con đồng bào Rục ở Bản Mò O Ồ Ô quê hương anh là gây xúc động nhất. Hiện anh đang có nhiều dự trù cho tương lai nhưng tập trung và ước nguyện cao nhất của anh là được đi học bệc cao hơn, tích lũy thêm kiến thức, trí tuệ mang về đóng góp để nâng cao cuộc sống của đồng bào Rục ở quê hương.
Bài: Mạnh Thành
Ảnh: An Thành Đạt