“Đòn bẩy” thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

“Đòn bẩy” thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây thực sự là “đòn bẩy” giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời giải quyết khó khăn, từng bước phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

“Đòn bẩy” thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1Với số vốn vay ưu đãi gần 100 triệu đồng, anh Võ Văn Thành (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã đầu tư, mở rộng và phát triển sản xuất các nhà vườn. Ảnh: Võ Dung - TTXVN

"Tiếp lửa" cho thanh niên làm giàu

Cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những chủ trương quan trọng của Chương trình nhằm hỗ trợ người dân, nhất là thanh niên vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội, động lực vượt khó vươn lên, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Khác với những bạn bè đồng trang lứa, anh Võ Văn Thành (sinh năm 1990, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) dù có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp Đại học nhưng vẫn quyết định rời phố về làng lập nghiệp, quyết chí làm giàu tại nơi mình sinh ra và lớn lên. Anh Thành cho biết, năm 2020, anh bắt đầu triển khai xây dựng nhà lưới sản xuất rau, quả an toàn VietGap và chăn nuôi gia súc, gia cầm với diện tích khoảng 1,5 ha; tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng.

“Với quy mô như thế, nguồn vốn để thực hiện là điều rất quan trọng. Đây cũng là khó khăn ban đầu mà tôi gặp phải. Tuy nhiên, nhờ có sự đồng hành của gia đình, các tổ chức, đoàn thể xã hội, tôi may mắn tiếp cận được vốn vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn. Đầu năm 2023, với số tiền vay ưu đãi gần 100 triệu đồng, tôi đã đầu tư, mở rộng thêm nhà xưởng, thiết bị, cây, con giống để phát triển sản xuất” - anh Võ Văn Thành chia sẻ.

Vượt qua khó khăn ban đầu, với sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách cho vay ưu đãi, anh Thành thêm vững tin trên hành trình khởi nghiệp. Hiện nay, từ 3 nhà vườn trồng dưa lưới, rau quả sạch và mô hình chăn nuôi lợn rừng, ngỗng sư tử, lợi nhuận anh thu về khoảng 250 - 400 triệu đồng/năm.

Anh Thành bày tỏ: “Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi, “tiếp lửa” cho những người trẻ như tôi mạnh dạn thực hiện ước mơ làm giàu trên quê hương. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư, vay thêm vốn để mua sắm máy móc phục vụ quy trình sản xuất phân bón hữu cơ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đạt quy chuẩn, an toàn cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường”

“Đòn bẩy” thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ảnh 2Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Mai Hồng Nhung (sinh năm 1991, ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) đã khởi nghiệp thành công. Ảnh: Võ Dung - TTXVN

Cũng như anh Võ Văn Thành, chị Mai Hồng Nhung (sinh năm 1991, ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) với dáng hình nhỏ bé nhưng có ý chí kiên cường đã tạo dựng cơ nghiệp vững vàng từ Khu Du lịch sinh thái nông nghiệp cao tổng hợp đạt tiêu chuẩn VietGap. Chị Nhung cho biết, với sự trợ giúp từ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách, chị cùng gia đình vay mượn thêm, đầu tư công sức, tâm huyết, kỹ thuật và nguồn vốn để phát triển mô hình nhà màng trồng dưa lưới, dưa chuột có diện tích 800 m2 và mô hình trồng thủy canh mướp đắng, ớt, cà chua, bí đỏ, bí đao... quy mô khoảng 2.000 m2. Các mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả với doanh thu gần 900 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 5 - 7 người với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện thực hóa ước mơ “an cư, lạc nghiệp”

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã tích cực triển khai nhiệm vụ, phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội, đưa đồng vốn đến tận tay người có nhu cầu, đúng đối tượng, hiện thực hóa ước mơ “an cư, lạc nghiệp” của họ.

“Đòn bẩy” thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ảnh 3Nhờ vốn vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xây dựng được nhà cửa khang trang. Ảnh: TTXVN

Vợ chồng chị Ngô Thị Bình (ở xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy) đều là giáo viên. Sau hơn 8 năm kết hôn, gia đình chị mong mỏi xây được một ngôi nhà kiên cố, vững chãi để che mưa, che nắng và yên tâm công tác, nuôi dạy các con ăn học. Tuy nhiên, với thu nhập chỉ đủ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày, ước mơ xây nhà mới của vợ chồng chị khó có thể thực hiện. Chị Bình cho hay, đầu năm 2023, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy, vợ chồng chị đã mạnh dạn đăng ký vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội. Với 500 triệu đồng hỗ trợ cho vay thời hạn trên 15 năm, vợ chồng chị đã hoàn thành ước mơ có căn nhà mới để ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Trong ngôi nhà mới khang trang, chị Ngô Thị Bình không giấu được niềm hạnh phúc và vui sướng. Chị Bình xúc động chia sẻ: “Gia đình chúng tôi thực sự cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Chính sách, các cấp chính quyền, đơn vị đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho vay vốn nhà ở xã hội. Chương trình này có ý nghĩa quan trọng và rất nhân văn”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Bích trước đây là hộ nghèo của phường Đồng Hải (thành phố Đồng Hới). Chồng mất sớm, một mình bà phải mưu sinh để lo cho con ăn học và trang trải các sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ngôi nhà gia đình đang ở đã xuống cấp nhưng bà không có tiền để xây mới. Bà Bích cho biết, thông qua các kênh thông tin, bà biết được có gói vay hỗ trợ nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, bà đã tìm hiểu và làm thủ tục vay 500 triệu đồng. Được ở trong ngôi nhà mới, từ nay, bà các con không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão. Đặc biệt, với thời hạn trả vốn vay kéo dài từ 15 - 20 năm, bà thấy yên tâm để tập trung phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Phát huy hiệu quả các Chương trình


Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm; nhà ở xã hội; hỗ trợ học sinh, sinh viên... Nhờ đó, nhiều đối tượng, người dân, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, củng cố niềm tin trong nhân dân, cùng chung sức xây dựng quê hương.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị được phân, giao vốn chỉ tiêu các chương trình gần 1.055 tỷ đồng. Trong hai năm 2022 và 2023, Ngân hàng đã chỉ đạo các phòng giao dịch, đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát đối tượng, tập trung giải ngân khoảng 1.054 tỷ đồng, kết quả dư nợ đến ngày 30/11/2023 đạt 1.011,9 tỷ đồng (đạt 95,8% kế hoạch tăng trưởng).

Toàn tỉnh có hơn 1.470 gia đình được vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Ngân hàng đã cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (cho vay vùng và miền núi dân tộc thiểu số) là 203 lượt vay; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 6.155 lượt; cho học sinh - sinh viên vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến trên 1.640 lượt...

Đặc biệt, sau khi Chính phủ Ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP, ngày 2/11/2023 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP, Quảng Bình được phân, giao bổ sung 220 tỷ đồng chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đến ngày 30/11/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 194 tỷ đồng với hơn 3.100 khách hàng. Tháng 12/2023, đơn vị tiếp tục giải ngân 25,9 tỷ đồng, phấn đấu đạt 100% kế hoạch giao.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới, để quản lý và thực hiện hiệu quả các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, vốn vay hỗ trợ đến đúng, tận tay người dân, doanh nghiệp, đơn vị sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu; phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách. Cùng với đó, Ngân hàng sẽ triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình; tăng cường phối hợp, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay nhằm phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, sai sót; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để xem xét, có phương án giải quyết. Đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức, đơn vị có thành tích, tạo động lực lan tỏa, cố gắng hoàn thành có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra...

Võ Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm