Tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Bình, do địa hình đồi núi phức tạp, hạ tầng yếu kém nên chưa có điện lưới quốc gia, đây là rào cản lớn trong chuyển đổi số trong thời gian qua và sắp tới.
Bản Ploang là một bản nhỏ của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có khoảng 35 hộ dân với gần 160 nhân khẩu; bản nằm cách xa trung tâm xã và con đường đi lại đầy khó khăn. Từ nhiều năm nay, bản Ploang vẫn chưa có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại, do đó việc tiếp cận thông tin vốn đã khó khăn, việc chuyển đổi số, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến càng khó khăn hơn.
Anh Hồ Văn Anh, ở bản Ploang cho biết, địa hình đồi núi quá phức tạp, đường đi gập ghềnh khó khăn, nguồn điện gia đình đang dùng chủ yếu là điện mặt trời, sử dụng hàng ngày rất hạn chế. Hiện người dân chủ yếu nghe, gọi bằng máy điện thoại cục sạc đen trắng, không thể dùng điện thoại thông minh, cảm ứng hay có mạng internet nên việc tiếp cận công nghệ thông tin rất khó khăn.
Hiện xã Trường Sơn có 6 bản không có điện lưới quốc gia, không có hạ tầng viễn thông, để có thể làm các thủ tục liên quan đến hành chính công, cán bộ công chức xã phải tháo sim, lắp sim của bà con vào máy mình để làm thủ tục ngay tại xã. Các việc liên quan đến hội họp, tuyên truyền, cán bộ phải xuống tận bản thông báo đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Nhì, Bí thư Đảng uỷ xã Trường Sơn cho biết, để thực hiện chuyển đổi số và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, gọi tắt là Đề án 06 tốt tại địa bàn miền núi xã Trường Sơn, trong thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục đề xuất lên cấp trên nghiên cứu, xem xét bố trí nguồn kéo điện lưới cho 6 bản xa chưa có điện lưới quốc gia.
Thực tế cho thấy, để đáp ứng chuyển đổi số, cần đáp ứng về hạ tầng viễn thông; trong đó, nguồn điện lưới quốc gia có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện tỉnh Quảng Bình có 19 thôn, bản với khoảng trên 1.100 hộ dân chưa có lưới điện quốc gia, đây cũng là khu vực bị lõm sóng, không có mạng viễn thông. Các thôn, bản này tập trung tại các xã: Trường Sơn và Tường Sơn (huyện Quảng Ninh); xã Thượng Trạch và Tân Trạch (huyện Bố Trạch); xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).
Ông Trần Xuân Công, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và xây dựng hạ tầng viễn thông, ngành điện Quảng Bình đã phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và các ngành liên quan có kế hoạch đầu tư cấp điện lưới tới các khu vực này. Tuy nhiên, để đầu tư được điện lưới đến các khu vực vùng sâu, vùng xa này tại tỉnh Quảng Bình đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do địa hình đồi núi phức tạp, việc đầu tư cấp điện lưới phải có lộ trình và sự chung tay của các cấp các ngành.
Trong thời gian tới, ngành điện lực tỉnh Quảng Bình tiếp tục nắm tình hình, thống kê và dự báo tính khả thi, báo cáo các cấp, các ngành để có kế hoạch đầu tư và đưa điện lưới quốc gia đến các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và thu xếp vốn đầu tư của ngành điện để có kế hoạch đầu tư, cấp điện cho các khu vực này.
Tá Chuyên