Tân Hoá, xã bao đời là rốn lũ của huyện miền núi Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình vừa được Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO công nhận là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Điều gì đã giúp Tân Hoá vượt qua hàng trăm đối thủ khác trên thế giới, giành Giải thưởng nhiều danh giá này là câu hỏi của nhiều người khiến chúng tôi tìm về với vùng quê được ví như "miền cổ tích" lọt thỏm giữa lớp lớp núi đá vôi này.
Nằm lọt thỏm giữa ba bề tầng tầng, lớp lớp núi đá vôi nên Tân Hoá bao đời nay trở thành rốn lũ. Năm nào cũng vậy, một đôi ba lần làng quê chìm trong biển nước mênh mông. Có nhiều năm lũ lụt ngập sâu từ 3 đến 5 m khiến người dân phải bỏ lại nhà chạy lên núi trốn, chờ khi nước xuống thì về.
Đã nhiều lần chính quyền tỉnh Quảng Bình bàn đến giải pháp nổ mìn phá núi để tìm đường thoát nước cho làng quê này nhưng không làm được. Phương án di dân tái định cư đến nơi ở mới cũng được tỉnh Quảng Bình đưa ra nhưng người dân Tân Hoá bao đời nặng lòng thuỷ chung với “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình nên không không nở rời. Làng Tân Hoá vì vậy phải sống chung với lũ, với nghịch cảnh, cuộc sống của người dân nơi đây thật lắm gian truân. Làng vì thế đã từng được coi là một trong những nơi khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Bình.
Tìm cách để sống chung với nghịch cảnh, khó khăn, người dân Tân Hoá đã nghĩ ra nhiều cách nhưng giá trị nhất là việc làm ra những ngôi nhà phao mà khi nước lũ lên đến đâu thì nhà nổi lên đến đó. Theo năm tháng những ngôi nhà phao ngày một được cải tiến phù hợp hơn với công năng khi bình thường là một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác nhưng khi lũ lụt kéo đến lại như là một con thuyền chở vật dụng có giá trị, lương thực, thực phẩm, nước sạch và người dân để họ sống qua những ngày mưa lũ.
Theo ông Trương Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tân Hoá thì hiện làng có 620 ngôi nhà phao tự nổi, nhà nào cũng có ít nhất một ngôi để phòng chống lũ lụt. Từ ngày có nhà phao, người dân bớt phập phòng nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến. Người dân ở đây luôn tự hào về những ngôi nhà phao của mình làm ra và cho rằng vượt qua nghịch cảnh, sống thích ứng với tự nhiên như Tân Hoá thì hiếm nơi nào có được.
Tân Hoá đầy nghịch cảnh nhưng tạo hoá cũng thật công bằng khi cho vùng đất này nhiều tài nguyên và thắng cảnh mà hiếm nơi nào có được. Năm 2011, Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) đã đến đây đặt đại bản doanh để đầu tư khai thác đưa du khách đến chiêm ngưỡng những thắng cảnh này.
Từ đây những hình ảnh đẹp miên man về thung lũng cỏ xanh trải dài ngút tầm mắt hay hệ thống hang động Tú Làn cùng con sông Rào Nan thơ mộng đã đến được với người dân trên khắp mọi miền thế giới. Đến Tân Hoá du lịch, đi tour khám phá Tú Làn, ăn món ăn của người dân bản địa xã Tân Hoá…luôn để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Đặc biệt hơn, năm 2016, Holywood đã chọn hang Chuột ở xã Tân Hoá làm phim trường cho các cảnh quay của bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) của đạo diễn lừng danh Jordan Vogt-Roberts. Từ đây những khung cảnh choáng ngợp, đẹp như miền cổ tích của Tân Hoá càng được nhiều người biết đến.
Người dân ở làng Tân Hoá cũng bắt đầu manh nha đi theo Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) làm du lịch, tìm kiếm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay, toàn xã có 120 người làm du lịch thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu/tháng. Cùng với đó, các hoạt động du lịch ở xã Tân Hoá cũng đã gián tiếp tạo thêm việc làm cho hơn cả trăm lao động của địa phương này. Những sản vật, lương thực, thực phẩm ở địa phương này trước đó cũng chỉ sản xuất tự cung tự cấp thì bây giờ còn phục vụ cho cả du lịch. Riêng năm 2023 này, người dân trong xã đã bán được hơn 5 tỷ đồng hàng hoá phục vụ du lịch.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người dân ở xã Tân Hoá còn mạnh dạn vươn lên biến nghịch cảnh lũ lụt, khó khăn làm lợi thế để khai thác phát triển du lịch. Những ngôi nhà phao tự nổi đã được nhiều người dân ở xã Tân Hoá đầu tư, trang cấp thêm nhiều trang thiết bị biến thành các homestay xịn sò giúp du khách có cơ hội trải nghiệm được cuộc sống vùng quê lũ lụt này. Nếu du khách có nhu cầu được thưởng thức các món ăn dân tộc, đậm đà bản sắc của Tân Hoá cũng sẽ dễ dàng được người dân ở đây tận tình phục vụ và đáp ứng. Chính vì vậy, nhiều người khi đến với Tân Hoá đã nhận xét rằng, nét độc đáo riêng có ở đây là mô hình hoạt động du lịch thích ứng thời tiết.
Anh Trần Hữu Dòng, ở thôn 2 Tân Hoá chia sẽ, cuộc sống của người dân ở đây ngày càng được cải thiện có phần đóng góp lớn lao của du lịch. Vì vậy, người dân ở Tân Hoá ý thức cao trong việc tôn trọng, bảo vệ cảnh quan, tự nhiên và làng xã để phục vụ du lịch.
Đến Tân Hoá, du khách sẽ thực sự ngạc nhiên khi hoạt động du lịch phát triển mạnh nhưng không vì thế mà làng quê này trở nên ồn ào, chạy đua theo cơ chế thị trường như những nơi khác. Tân Hoá bây giờ vẫn là làng quê bình dị, giữ gìn tốt nề nếp giá trị văn hoá đặc trưng của chính mình.
Bài: Mạnh Thành
Ảnh: An Thành Đạt