Đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã Nam Tuấn (Hòa An) được bê tông. |
NỐI KẾT NGUỒN LỰC...
Để thực hiện hiệu quả Chương trình, Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Đến nay, các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách, giúp đỡ, hỗ trợ 70 xã NTM đã thành lập tổ công tác; ban hành kế hoạch triển khai, giúp đỡ các xã theo sự phân công và đến làm việc với xã để tư vấn, hỗ trợ nguồn lực, bàn các giải pháp triển khai thực hiện các nội dung XDNTM theo đề án đã được duyệt. Nhiều đơn vị đã huy động một ngày lương của cán bộ, công chức và huy động từ doanh nghiệp hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho cán bộ và nhân dân, ủng hộ, tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo tại xã được phân công.
Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 317 lớp đào tạo, tập huấn cho 16.364 lượt người. Huy động vốn ngân sách Trung ương trực tiếp cho Chương trình 248 tỷ 586 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu 20 tỷ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi. Huy động Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá - Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, hỗ trợ huyện Hòa An và Hà Quảng hơn 31 tỷ đồng. Ngân hàng VietinBank Chi nhánh tỉnh Cao Bằng hỗ trợ xã Trường Hà (Hà Quảng) 5 tỷ 255 triệu đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 10 tỷ đồng. Tổng Công ty Xây dựng giao thông 4 (CIENCO4) hỗ trợ 1 tỷ 800 triệu đồng để mua 100 con bò cho xã Trường Hà (Hà Quảng). Công ty kinh doanh vốn Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây nhà công vụ cho giáo viên xã Trường Hà (Hà Quảng). Công ty Bảo hiểm Manulife đầu tư trang thiết bị trường học xã Trường Hà (Hà Quảng) 275 triệu đồng. Tổng Công ty Bảo hiểm - Bảo việt Việt Nam hỗ trợ 3 tỷ 350 triệu đồng để xây Trường Mầm non xã Trường Hà (Hà Quảng). Đảng ủy Quân khu 1 hỗ trợ 50 triệu đồng tu sửa nhà cho một thương binh hạng nặng. Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Hòa hỗ trợ 170 triệu đồng xây dựng cổng UBND xã Nam Tuấn (Hòa An). Công ty Xây dựng thương mại Trung Nguyên hỗ trợ xã Triệu Ẩu (Phục Hoà) 20 triệu đồng...
Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền XDNTM, cán bộ, nhân dân đã ủng hộ hơn 5 tỷ đồng, hiến 336.386 m2 đất, đóng góp 524.202 ngày công lao động, 135 tấn xi măng, 10 nghìn viên gạch tuynel và hàng nghìn m3 cát, đá, sỏi..., để làm các công trình hạ tầng.
TẠO SỨC BẬT MỚI
Để thực hiện Chương trình hiệu quả, tỉnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm 175/177 xã; phê duyệt Đề án XDNTM 131/177 xã. Hơn 4 năm qua, đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 91 tuyến đường huyện dài hơn 536 km. 49/177 xã đạt tiêu chí số 3 về thuỷ lợi. 91/177 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Cơ sở vật chất trường học từng bước được xây dựng theo chuẩn, toàn tỉnh có 664 trường và trung tâm, trong đó có 12 trường phổ thông dân tộc nội trú, 100% xã có cơ sở giáo dục mầm non và trường tiểu học, 98% xã có trường THCS, 100% huyện, Thành phố có từ 1 - 4 trường THPT, 100% xã có bộ máy hoạt động về học tập cộng đồng tại cơ sở để bồi dưỡng kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất cho các đối tượng lao động, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp.
Toàn tỉnh thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hòa An và Thành phố. 12/70 chợ nông thôn xây dựng theo quy hoạch đạt chuẩn; 67/177 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn. 100% xã có điểm bưu chính viễn thông, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động; 78 xã có internet đến xóm; 74/177 xã đạt tiêu chí số 8 về bưu điện; 8/177 xã đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư. Năm 2011, tỉnh hỗ trợ 38 bộ máy cày, bừa, trị giá hơn 1 tỷ đồng; thành lập 13 tổ hợp tác tại 13 xã điểm. Năm 2013, tỉnh hỗ trợ hơn 812 tỷ đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản, gồm 182 con lợn nái Móng Cái, 4.550 kg thức ăn chăn nuôi và tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc lợn nái cho 91 hộ dân tham gia tại 3 huyện. Năm 2014, thực hiện mô hình chăn nuôi 132 con lợn nái Móng Cái sinh sản cho 77 hộ dân tại 3 huyện: Quảng Uyên, Hà Quảng, Thạch An...
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2011 đạt 8 triệu 400 nghìn đồng/năm; năm 2014 tăng lên gần 13 triệu đồng/năm. Đến nay, có 18 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Có 31/177 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo; 67/177 xã đạt tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; 44/177 xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; 34/177 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục; 56/177 xã đạt tiêu chí số 15 về y tế; 26/177 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa; 1/177 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường (xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng); 91/177 xã đạt tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị, xã hội; 160/177 xã đạt tiêu chí số 19 an ninh trật tự xã hội.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sinh Cung, thời gian tới căn cứ vào cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh sẽ chủ động và rà soát điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện chương trình. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân; lựa chọn sản phẩm chủ lực có thị trường đề xây dựng phương án triển khai trên diện rộng. Cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình, tăng cường huy động lồng ghép các nguồn lực phục vụ XDNTM theo Nghị quyết số 31/2014/NQ-HĐND, ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh về huy động nguồn lực và quy định mức hỗ trợ XDNTM, giai đoạn 2015 - 2020. Ưu tiên các công trình thiết yếu ở xóm, xã trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hằng ngày của người dân, lựa chọn một số hạng mục công trình tạo chuyển biến đột phá trên địa bàn xã, huyện. Chỉ đạo, vận động các hộ chăn nuôi đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, xử lý rác thải, nước thải, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở các công trình công cộng và các hộ dân. Tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác XDNTM huyện, xã theo chương trình khung của Trung ương và những chuyên đề nâng cao năng lực làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện dự án phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của chương trình. Kiện toàn, nâng cao năng lực Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp theo Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 15/7/2014 và Quyết định số 1996/QĐ-TTg, ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp xã sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ cơ sở; thành lập Văn phòng Điều phối cấp huyện, bổ sung công chức, viên chức chuyên trách về NTM cấp huyện, xã trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại nhân sự trong tổng biên chế được giao.
Đến hết tháng 7/2015, toàn tỉnh bình quân đạt 5,62 tiêu chí/xã (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Trong đó, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) đạt 15 tiêu chí; 12 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 95 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; 69 xã đạt 1 - 4 tiêu chí. Từ nay đến hết năm 2015, tỉnh phấn đấu 1 - 2 xã hoàn thành 19 tiêu chí. Bình quân mỗi xã tăng 2 tiêu chí trở lên. Phấn đấu có 6 - 8 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Giảm 28 xã đạt dưới 5 tiêu chí, để cuối năm 2015 còn 45 xã dưới 5 tiêu chí. 100% xã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch xã NTM. 100% xã phê duyệt đề án xã NTM. Giải ngân 100% vốn được giao năm 2014 và năm 2015. |
Báo Cao Bằng