Trẻ cần được tiêm đầy đủ mũi Sởi- Rubella để phòng bệnh. Ảnh: TTXVN |
Bà Bùi Thị Lệ Phi,Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, chiến dịch được thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm tăng tỉ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng. Theo đó, trẻ từ 1-5 tuổi ở vùng nguy cơ cao đều được tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh. Thời gian thực hiện từ tháng 1 đến tháng 2/2019 tại 5 quận, huyện nguy cơ cao của thành phố là Ninh Kiều, Ô Môn, Cờ Đỏ, Cái Răng, Thới Lai và chia làm 3 đợt. Đợt 1 sẽ triển khai tại các trường mầm non, mẫu giáo cho các trẻ đang đi học. Đợt 2 sẽ tiếp tục tiêm tại trạm y tế xã, phường cho trẻ không đi học. Đợt cuối cùng là tiêm vét cho trẻ đi học hoãn tiêm trong đợt 1. Thực hiện chiến dịch, trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin MR (vắc xin kết hợp nhằm bảo vệ chống cả sởi lẫn rubella). Trẻ em sinh ra trong khoảng thời gian từ 1/1/2013 đến 30/9/2017, dù đã tiêm đầy đủ hay chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, trừ những trẻ mới tiêm vắc xin sởi, sởi – rubella, sởi - quai bị - rubella hoặc vắc xin thủy đậu trong vòng một tháng tính đến ngày tổ chức đều nằm trong diện cần tiêm chủng bổ sung. Dự kiến kinh phí dành cho đợt tiêm chủng này khoảng 2,3 tỉ đồng. Để chiến dịch đạt hiệu quả, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đảm bảo sẵn sàng cung ứng vắc xin sởi - rubella, bơm kim tiêm, hộp an toàn. Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ được triển khai đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, cơ sở y tế… trong một hoặc nhiều đợt nhỏ theo cụm huyện, xã tùy vào điều kiện của từng địa phương nhưng không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm để tránh quá tải. Ngành Y tế thành phố sẽ thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh nhấn mạnh, Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi - rubella miễn phí rất cần thiết và bắt buộc, làm tăng miễn dịch không chỉ riêng cho trẻ mà cho cả cộng đồng. Vì vậy, các ngành chức năng thành phố cần thông tin, vận động các bậc cha mẹ cho con đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi - rubella đầy đủ. Đặc biệt, Phòng Giáo dục – Đào tạo các quận, huyện gửi công văn cho các trường đề nghị cộng tác với ngành Y tế thành phố, vận động phụ huynh tích cực cho con tham gia, không bỏ sót học sinh nào. Ban Giám hiệu và giáo viên các trường thuộc diện tiêm vắc xin được tập huấn về mục tiêu và lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi – rubella; đây sẽ là lực lượng cộng tác viên tuyên truyền hiệu quả cho chiến dịch. Các thầy cô giáo tư vấn và thông báo cho phụ huynh học sinh biết thời gian và địa điểm tiêm để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. Phó Chủ tịch UBND thành yêu cầu các đơn vị quản lý khu vực quận, huyện chủ động cử các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch. Cán bộ giám sát có trách nhiệm theo dõi giám sát, hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định, đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng. Theo số liệu của Sở Y tế, thành phố Cần Thơ hiện có 245.345 trẻ trong diện tuổi tiêm vắc xin sởi - rubella. Trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố không phát hiện trường hợp trẻ mắc bệnh sởi – rubella và tỉ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin sởi - rubella đạt mức cao, song tỷ lệ này vẫn chưa đạt 95% và vẫn còn các vùng nguy cơ cao, có nơi mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm dưới 90%. Thực tế này dẫn đến nguy cơ số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh sẽ tích lũy qua từng năm; khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi-rút sởi lưu hành có thể gây dịch. Do đó, việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc- xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
Hồng Giang