Ảnh minh họa - Sinh viên nước ngoài thích thú gói bánh chưng Tết. Nguồn ảnh: Internet |
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Tết năm nay, Trường có trên 40 sinh viên quốc tế ở lại đón Tết cổ truyền Việt Nam, chủ yếu là sinh viên đến từ các nước châu Phi, Trung Á và tất cả đều là sinh viên mới nhập học nên rất lạ lẫm với phong tục truyền thống văn hóa của người Việt. Chính vì vậy, nhà trường đã lên kế hoạch để các sinh viên nước ngoài được trải nghiệm thực tế, từ đó cảm nhận được nét văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền ở Việt Nam”.
Có mặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn lại làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương), cô gái sinh viên tóc vàng Tsatsralt Eeerntsendorj đến từ Mông Cổ, đang học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tỏ ra rất phấn khích với công việc gói bánh chưng. Mặc dù còn vụng về trong các động tác nhưng khi chính tay mình gói được một chiếc bánh chưng, Tsatsralt Eeerntsendorj rất vui mừng, cô còn hướng dẫn cho các bạn trong nhóm cách xếp lá dong, cho nguyên liệu gói bánh, buộc lạt cho bánh… Tsatsralt Eeerntsendorj cho biết: “Quê hương em cũng đón năm mới vào đúng dịp này. Thường thì vào dịp Tết, cả nhà em cùng đoàn tụ và mong ước những điều may mắn cho năm mới. Quê em không có nhiều đất trồng cây, chỉ có núi đồi, thảo nguyên và sa mạc nên thực phẩm quý trong dịp năm mới là thịt cừu và làm bánh bao, bánh quy với bơ… Em rất thích cách làm bánh chưng ở Thái Nguyên, hương vị của nó thật tuyệt vời”. Ở làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, các bạn sinh viên còn được nghệ nhân trong làng hướng dẫn cách làm đỗ, ướp thịt, tước lá dong.
Sinh viên Sarangerel Bayar Jargal đến từ Mô-dăm-bích chia sẻ: “Khi được học và tham gia làm bánh chưng cùng gia đình nông dân ở Thái Nguyên, em hiểu rằng, chiếc bánh chưng trong ngày Tết rất có ý nghĩa đối với người dân Việt Nam, vì chiếc bánh là thứ không thể thiếu trong những lễ vật được cung kính dâng lên tổ tiên trong mỗi dịp Tết, điều này nhắc nhở mọi người trong gia đình nhớ về nguồn cội, dòng họ của mình”.
Rời làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, các bạn sinh viên đến thăm chợ hoa ở khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp, trung tâm Thành phố Thái Nguyên. Cầm trên tay một cành bích đào tươi thắm, chàng sinh viên Sarangerel Bayar Jargal đến từ Mô-dăm-bích hồ hởi cho biết: Đây là lần đầu tiên em biết đến Tết của Việt Nam, giờ thì em mới hiểu câu “hoa đào nở đón mùa Xuân về” trong khẩu ngữ tiếng Việt mà em đã được học, một cành đào gầy, khô mà nở ra những bông hoa đỏ thắm, tuyệt đẹp.
Trong đoàn ai cũng có chung cảm nhận rằng, Tết Việt Nam làm cho mọi người dường như xinh đẹp hơn, cười nhiều hơn và thanh thản hơn mọi ngày. Sinh viên Ester Tsaias Sambo đến từ Mô-dăm-bích chia sẻ “Chắc chắn những hình ảnh đẹp về Tết cổ truyền ở Việt Nam sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của chúng em”.