Các tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long liên kết phát triển du lịch

Các tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long liên kết phát triển du lịch
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa

Theo ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh trong cụm nên sau 4 năm liên kết, hoạt động du lịch của cụm tăng trưởng khá cao. Từ đầu năm đến nay, các tỉnh trong cụm đã đón gần 4,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 850.000 lượt; tổng doanh thu đạt 1.760 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu các từ hoạt động kinh doanh du lịch các tỉnh vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Để ngành du lịch khu vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, các đại biểu cho rằng các địa phương cần thắt chặt 5 mối liên kết, gồm: liên kết hỗ trợ nhau trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; thông tin quy hoạch phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư từ các dự án phát triển du lịch và sản phẩm du lịch; liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch; liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và liên kết tạo ra các sự kiện chung.

Theo ông Nguyễn Tấn Phong - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, các tỉnh trong khu vực cần tập trung triển khai lập quy hoạch dự án xây dựng các khu, điểm du lịch quốc gia trong cụm theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong cụm có 2 khu du lịch quốc gia và 3 điểm du lịch quốc gia là: khu du lịch quốc gia Thới Sơn (cụm Long Lân Quy Phụng của Tiền Giang và Bến Tre) và Trà Chim – Láng Sen (Đồng Tháp – Long An); điểm du lịch quốc gia Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long) và điểm du lịch quốc gia Ao Bà Om (Trà Vinh). Đồng thời, các địa phương cần xây dựng các tour liên kết giữa các tỉnh với nhau.

Còn ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho rằng, nhu cầu khách du lịch về tham quan các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của các tỉnh trong khu vực khá tương đồng nhau. Để tạo được ấn tượng với du khách, các địa phương cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; nâng cao giá trị các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng, chất lượng các sản phẩm đặc sản...

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù không trùng lắp với các tỉnh khác. Tỉnh xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chuyển đổi mô hình quản lý du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư nhà hàng, khách sạn, các điểm mua sắm phục vụ phát triển du lịch. Các cá nhân có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển du lịch được vay với mức tối đa 2 tỷ đồng và được tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất. 

Ông Trần Minh Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho rằng ngành du lịch các tỉnh trong cụm cần làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch ký kết hợp đồng trên nguyên tắc ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch của nhau. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
Thanh Hòa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm