Nông dân huyện Hòa An thu hoạch thuốc lá. |
Cao Bằng chú trọng rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa; đổi mới các hình thức sản xuất ở nông thôn. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân phát triển vùng cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng địa phương. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng thuốc lá nguyên liệu tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Trùng Khánh; vùng mía nguyên liệu tại các huyện: Phục Hòa, Hạ Lang, Quảng Uyên, Thạch An; trồng cỏ nuôi bò tại các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng; vùng trúc sào tại: Nguyên Bình, Bảo Lạc. Các mô hình gieo cấy lúa đặc sản tại: Hòa An, Thông Nông, Nguyên Bình; trồng khoai tây, lạc giống tại: Hà Quảng, Trà Lĩnh; trồng hồi tại: Thạch An, Bảo Lâm, Bảo Lạc.
Đến năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư cho Dự án sản xuất thuốc lá trên 58 tỷ đồng. Nông dân ở vùng nguyên liệu trồng 3.689 ha, tăng 541 ha so với năm 2011, năng suất bình quân đạt 20,5 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 7.579,5 tấn. Thu nhập bình quân/ha đất trồng thuốc lá đạt 95,4 triệu đồng/năm, trong đó cao nhất là huyện Hà Quảng đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, Hòa An đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm. Dự án mía đường, đầu tư 10,983 tỷ đồng; vùng mía nguyên liệu có 3.232 ha, năng suất đạt 617,5 tạ/ha, sản lượng đạt 199.635 tấn; thu nhập bình quân 52 - 60 triệu đồng/ha. Tổng nguồn vốn đã đầu tư cho dự án trúc sào hơn 3 tỷ đồng; từ năm 2012 - 2015, các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông trồng mới hơn 666 ha, nâng tổng diện tích trúc sào lên 3.268 ha, trong đó 1.600 ha đã cho khai thác, tăng 33% so với năm 2010. Dự án phát triển đàn bò (năm 2011 - 2014), đầu tư hơn 52 tỷ đồng; đến ngày 1/4/2015, tổng đàn bò có 126.433 con, giảm 3.567 con so với năm 2010. Đầu tư 8 tỷ đồng cho dự án vùng nguyên liệu sắn (năm 2012 - 2015), trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ người dân trong vùng dự án trồng sắn nguyên liệu 4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khánh Hạ đầu tư 4 tỷ đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ từ Trung ương 1 tỷ 69 triệu đồng). Đến nay vùng nguyên liệu 2.725 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt từ 15 - 17 tấn/ha.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình còn bộc lộ nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, như: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chậm. Một số huyện chưa thực sự quan tâm chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Các Ban chỉ đạo cấp huyện chưa đôn đốc, giám sát các nhà đầu tư (doanh nghiệp) thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND, ngày 5/7/2012. Một số nhà đầu tư chỉ xây dựng dự án, xin cấp phép kinh doanh, nhưng chưa quan tâm đến việc hỗ trợ cho nhân dân đầu tư phát triển sản xuất; có doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung đã hợp đồng (cam kết) với nông dân. Một bộ phận nông dân chưa thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật sản xuất và hợp đồng bán sản phẩm với nhà đầu tư; hiện tượng tranh mua, tranh bán vẫn còn diễn ra trên địa bàn.
Các tuyến đường nội vùng của dự án mía và trúc đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa. Tập quán chăn nuôi lạc hậu, một số địa phương còn thả rông gia súc, ảnh hưởng đến công tác cải tạo giống bằng bò đực tốt; thụ tinh nhân tạo đạt kết quả thấp, chi phí cao; việc trồng cỏ ở một số địa phương không thực hiện được (một số mô hình trồng cỏ đã bị trâu, bò phá hoại). Diện tích trồng sắn nguyên liệu nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng đất đồi, trồng xen canh với các cây trồng khác...
Nhằm thực hiện chương trình hiệu quả, theo ông Hoàng Thái, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh tập trung nguồn lực tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường. Quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp và đất phục vụ chăn nuôi ở từng địa phương, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính. Quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, chủ động tưới tiêu cho các loại cây trồng.
Báo Cao Bằng