Hưởng ứng tháng hành động vì hợp tác xã năm 2024, sáng 10/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 78 năm ngày hợp tác xã Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, nông dân Việt Nam cần cù, sáng tạo song chưa có nhiều tinh thần hợp tác, liên kết. Bởi vậy, điều tiên quyết là cần giải được những câu hỏi, những băn khoăn còn tồn tại của nông dân trước khi vào hợp tác xã. Hợp tác xã là một vòng tròn các mối quan hệ, vòng tròn càng lớn, hợp tác xã càng trở nên vững mạnh, điều này đòi hỏi các lãnh đạo cần truyền bá tư tưởng hơn việc chỉ chú trọng vào kỹ thuật.
Từ ý tưởng đề xuất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vào năm 2022, hợp tác xã nông nghiệp điển hình COOP.66 sau 2 năm hoạt động với mục đích kết nối, đồng hành và tuyên truyền về mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình đã đạt được một số kết quả nhất định. Tiêu biểu nhất là việc 100% hợp tác xã được các địa phương lựa chọn là mô hình điểm để hỗ trợ nhân rộng.
Tại tọa đàm, đại diện của các hợp tác xã thuộc COOP.66 đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy các hoạt động thúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nắm bắt thực tế hoạt động của các hợp tác xã, các đại diện cũng đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm phát triển vai trò của hợp tác xã trong đời sống, tháo gỡ những tồn đọng về cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh thần gắn kết và phát triển hiệu quả.
Theo Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ Thương mại nông nghiệp Cây Trôm, tỉnh Long An, hiện toàn bộ hợp tác xã đã có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, việc được tham gia các đề án, chương trình lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp cho hợp tác xã có thể học hỏi, phát huy được thế mạnh sẵn có của mình.
Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể có thêm các chính sách mới để từ đó đó phát huy các mô hình đã thành công, giúp các hợp tác xã có thể phát triển đồng đều hơn và hướng đến phát triển sản xuất xanh.
Bà Mai Thị Ninh, Hợp tác xã Bắc Kạn cho biết, ban đầu hợp tác xã tỉnh chỉ có 7 thành viên, nhưng ở thời điểm hiện tại đã có 30 hộ đã có sản phẩm để xuất khẩu và việc vinh dự được tham gia COOP.66, đặc biệt là các đề án của Trung ương là một bước tiến lớn giúp cho hợp tác xã tỉnh có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Về đề xuất, Bà Ninh mong muốn được kết nối chặt chẽ hơn trong hệ thống COOP.66, đặc biệt về phương diện thị trường, công nghệ để có thể hướng hợp tác xã tới chuyển đổi số.
Tọa đàm còn đón nhận ý kiến của bà Hồ Kiều Oanh, Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh – hợp tác xã hướng tới xây dựng mô hình kết nối cung cầu, tạo thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đồng thời, cung ứng những sản phẩm nông sản ra thị trường. Là hợp tác xã được phát triển với chủ yếu là các bạn trẻ khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng chuỗi giá trị, bà Oanh mong rằng sẽ có nhiều cơ hội được đến tham quan, học hỏi các hợp tác xã tiêu biểu để có thể tích lũy thêm kinh nghiệm của các hợp tác xã đã thành công trên các lĩnh vực.
Trong thời gian tới, việc tăng cường giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng với hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận chính sách, chương trình, đề án để có thể nhân rộng mô hình và kết nạp mở rộng hợp tác xã tham gia COOP.66 là kế hoạch và cũng là nhiệm vụ cần được đẩy mạnh triển khai, bà Oanh kiến nghị.
Tính đến tháng 12/2023, hợp tác xã nông nghiệp tại Việt Nam đã tăng trưởng rõ rệt khi đạt tới con số 20.789 hợp tác xã nông nghiệp trên toàn quốc, tăng 1.357 hợp tác xã so với năm 2022 và chiếm 67,8% số lượng hợp tác xã cả nước. Trong đó, nhiều hợp tác xã đã và đang xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ổn định đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Khánh Linh