Cần nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã

Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 460 hợp tác xã nông nghiệp, gần 1.600 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động với số lượng thành viên hơn 70.000 người tham gia; trong đó, chủ yếu là đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Mô hình kinh tế tập thể đã mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh của thành viên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của địa phương.

Hơn 4 năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã giúp tiêu thụ gần 1.000 tấn tôm thẻ nuôi theo hình thức quảng canh với mức giá cao hơn thị trường 10% của hơn 200 nông dân trong và ngoài huyện. Ngoài tôm thẻ, hợp tác xã còn thu mua cá lóc đồng, cá trắm cỏ, cá lóc nuôi của nông dân cũng có giá cao hơn 10% so với giá thị trường.

Bà Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát cho biết, đến nay, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đạt OCOP 3 sao như tôm khô, mắm tôm chua, khô cá lóc. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm ổn định với số lượng bán ra mỗi tháng hơn 1 tấn tôm khô, cá khô, mắm tôm chua…

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã ảnh 1Sản phẩm tôm khô của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Theo bà Thoa, huyện Vĩnh Thuận và một số huyện như U Minh Thượng, An Biên (Kiên Giang) có nguồn nguyên liệu là tôm thẻ quảng canh, cá lóc đồng, cá trắm cỏ… dồi dào đảm bảo cho nghề chế biến tôm khô, cá khô, mắm để cung ứng cho thị trường quanh năm.

“Từ khi hợp tác xã được thành lập đến nay đã mang lại rất nhiều lợi ích, như quy mô sản xuất được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã cũng thu mua tôm, cá với giá cao, giúp tăng thu nhập cho người nuôi, đồng thời tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng”, bà Lê Thị Kim Thoa cho biết thêm.

Bà Lê Thị Tẻm, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát chia sẻ, 4 năm tham gia hợp tác xã đã giúp gia đình tăng lợi nhuận hơn 150 triệu đồng so với sản xuất hộ cá thể như trước đây. Mỗi năm vuông tôm nhà bà bán khoảng 700 kg tôm thẻ với mức giá cao hơn thị trường từ 15-20.000 đồng/kg. Lao động thường xuyên với tiền công khoảng 7 triệu đồng/tháng cộng với cuối năm được chia hoa lợi nên giúp bà có thu nhập khá cao, đời sống khá hơn.

Hợp tác xã Ngã Bát, xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) được thành lập từ năm 2017 với 8 thành viên, đến năm 2020 mở rộng với 30 thành viên tham gia đến nay. Hợp tác xã hoạt động chủ yếu lĩnh vực cung ứng con giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của nông dân.

Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Hợp tác xã Ngã Bát, hợp tác xã chủ động ký hợp đồng với một số công ty, đơn vị cung ứng tôm giống, vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn, thuốc thủy sản với mức giá rẻ hơn so với thị trường từ 10% vì khỏi qua các trung gian. Năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, các dịch vụ của hợp tác xã đã giúp tiết kiệm cho gần 500 nông dân với khoản chi phí chênh lệch so với giá thị trường khoảng 1,2 tỷ đồng. Chất lượng sản phẩm đều được kiểm tra, kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đúng quy định để đảm bảo cung ứng, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả.

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã ảnh 2HTX Ngã Bát cung ứng con giống, vật tư nông nghiệp giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho mô hình sản xuất tôm-lúa ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Võ Văn No, thành viên Hợp tác xã Ngã Bát cho hay, gia đình sản xuất trên diện tích 3,5 ha với mô hình xen canh tôm thẻ, tôm càng, tôm sú, cua và trồng lúa. Trung bình mỗi năm, ông mua con giống, thuốc thủy sản, thức ăn từ hợp tác xã khoảng 40 triệu đồng. Nếu sử dụng dịch vụ bên ngoài, chi phí có thể hơn 50 triệu đồng, bởi giá thị trường cao hơn giá của hợp tác xã cung ứng. Sản phẩm của hợp tác xã có chất lượng tốt, giúp nông dân nuôi trồng hiệu quả cao. Ngoài thị trường, các loại vật tư nông nghiệp, con giống trôi nổi, người dân cũng không yên tâm mua về sử dụng.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương này thành lập mới 29 hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 540 hợp tác xã đang hoạt động, có tổng vốn điều lệ gần 424 tỷ đồng, cánh tác trên diện tích 68.000 ha với hơn 55.000 thành viên tham gia, tạo việc làm cho gần 10.300 lao động. Trong số đó, có 464 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Tỉnh hiện có gần 1.600 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động.

Ông Phạm Thành Trăm, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang đánh giá, những năm gần đây, các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, kinh doanh của thành viên và nông dân, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, thành viên đa số là hộ nông dân, quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế; lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp lợi nhuận thấp, chịu nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, theo ông Phạm Thành Trăm, tỉnh cần hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện hài hòa lợi ích của thành viên, lợi ích tập thể, cộng đồng nông thôn, coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn; cần có quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ chưa hoặc không đủ năng lực.

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã ảnh 3Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đóng gói cá khô. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn như thủy lợi, giao thông nông thôn, điện phục vụ cho bơm tát, xây dựng cánh đồng mẫu lớn…; đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả tính cực trong việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Ngoài ra, tỉnh cần tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường…; tranh thủ nguồn lực, tìm kiếm lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp có uy tín và năng lực tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm