Nâng cao trình độ, năng lực các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã

Nâng cao trình độ, năng lực các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã

Trong khuôn khổ Diễn đàn Nông dân lần thứ VIII được tổ chức ngày 12/10, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nông đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể, cũng như cơ hội, thách thức của mô hình hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế.

Nâng cao trình độ, năng lực các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 1Ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo về tình hình phát triển kinh tế và các hợp tác xã hiện nay. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Kinh tế tập thể là mục tiêu xuyên suốt

Theo Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đặng Văn Thanh, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện qua các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Kinh tế tập thể, hợp tác xã không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên, đặc biệt nông dân và khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó cạnh tranh và tiếp cận thị trường nếu không có sự hợp tác, liên kết với nhau.

Năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều cơ chế, chính sách góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực.

Ông Thanh cho biết, số lượng hợp tác xã có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm (2013-2022), tốc độ tăng bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng hợp tác xã tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 hợp tác xã, đã tăng trên 7,4% so với năm 2021.

Nâng cao trình độ, năng lực các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 2Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng liên tục qua các năm. Theo ông Thanh, trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị. Hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ nông dân liên kết theo chuỗi, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ và phù hợp với đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hợp tác xã nông nghiệp là một "mắt xích" quan trọng trong hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp là tiền đề hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây...) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Phân tích về tình hình phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn, vận động thành lập, ông Nguyễn Tiến Cường, quyền Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức “5 tự”, “5 cùng”, góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đến nay cả nước đã có hơn 3.600 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với hơn 110 nghìn hội viên.

Đến hết năm 2022, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2.398 hợp tác xã nông nghiệp và 19.976 tổ hợp tác nông nghiệp. Doanh thu bình quân hằng năm đạt trên 5,5 tỷ đồng/hợp tác xã (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực và chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được triển khai thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hợp tác; tuyên truyền, nêu gương các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng khoa học - công nghệ và tham gia chuỗi giá trị, các mô hình quản trị hiệu quả.

Nâng cao trình độ, năng lực các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 3 Ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng ban kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) trình bày tham luận "Tình hình phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn, vận động thành lập". Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Xây dựng thương hiệu sản phẩm theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền

Thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Cường cho rằng cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, giao thương, kết nối cung - cầu, hỗ trợ cho 1.328 hợp tác xã. Trung ương Hội đã phối hợp tổ chức 62 Hội chợ nông nghiệp - thương mại và Festival nông nghiệp cấp khu vực; duy trì hằng năm Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cho trên 300 sản phẩm của các hợp tác xã được bình chọn trong cả nước.

Hội Nông dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức 853 hội chợ, triển lãm, giới thiệu, xúc tiến thương mại; liên kết với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết 2.761 hợp đồng tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã ; hỗ trợ chuẩn hóa 322 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 387 loại nông sản chủ lực của địa phương; điển hình là trong 02 năm 2018-2019, đã hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc đối với 265 loại hàng hóa nông sản, thực phẩm của 240 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ cấp xác nhận thực phẩm an toàn cho 59 hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Đồng thời, tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cho các hợp tác xã nông nghiệp thông qua xây dựng các mô hình điểm, trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản.

Chỉ tính trong giai đoạn 2018-2022, đã hỗ trợ vốn cho các nhóm hộ với hơn 9.000 dự án (quy mô 300-500 triệu đồng/dự án) từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ trên 15.000 tỷ đồng; thực hiện tín chấp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để ủy thác cho vay đối với hơn 3 triệu lượt hộ với tổng dư nợ trên 140.000 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi với gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại, gia trại.

Tại diễn đàn, ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam; tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư. Xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm là rất cần thiết. Vì vậy, cần tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường… Cùng với đó là nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm