Người trồng thanh long ở Bình Thuận thay đèn sợi đốt bằng đèn compact để giảm giá thành và tiết kiệm điện. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Bình Thuận có hơn 600.000 ha diện tích đất nông nghiệp, với địa hình đặc trưng vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển và những tiểu vùng khí hậu đặc trưng, lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn diện với những sản phẩm cạnh tranh theo hướng tập trung, chất lượng cao, bền vững. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở quy mô doanh nghiệp và hợp tác xã như trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, trong 2 năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao với quy mô 10.000 ha, tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.
Trong sản xuất chăn nuôi, cũng có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi khép kín, năng suất chất lượng sản phẩm đạt cao. Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi GAP trên một số vườn rau phát triển có hiệu quả. Về tôm giống, tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh cung cấp tôm giống chất lượng nhất cả nước, năm 2018 đạt 23 tỷ con tôm giống. Hiện nay khu tôm giống công nghệ cao 90 ha đã được hoàn thành tại xã Chí Công (huyện Tuy Phong), nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đầu tư vào khu vực này.
Một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật của công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á là mô hình trồng thanh long giàn và dưa lưới công nghệ cao trong nhà màn được triển khai tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Mô hình này không trồng thanh long theo cách truyền thống là trồng từng trụ, mà trồng theo hình thức dây leo từng giàn, vừa tiết kiệm diện tích, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với truyền thống. Mô hình canh tác sử dụng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc hóa học…
Hiện tại, năng suất thanh long trồng theo giàn đạt 50 tấn/ha, hơn hẳn so với năng suất trồng theo trụ là 30 tấn/ha. Với 4 vụ/năm của thanh long, 2 vụ chong điện kích thích ra hoa nghịch vụ lại đạt hiệu quả kinh tế cao và trở thành vụ 2 vụ chính so với 2 vụ thường. Bên cạnh đó, năng suất dưa lưới tính theo nhà màng là 8-10 tấn/nhà/vụ, năng suất tổng đạt 24-30 tấn/nhà/năm.
Ông Phạm Văn Minh, Tổng Giám đốc công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á cho biết, Israel là đất nước có diện tích đất sa mạc cao nhưng rất phát triển về nông nghiệp công nghệ cao. Nếu chọn vùng đất có điều kiện bình thường để làm sẽ dễ đi theo lối mòn và chính ở trong điều kiện khắc nghiệt lại nảy ra ý tưởng tốt.
Do vậy, doanh nghiệp đã chọn vùng đất Hòa Thắng của Bình Thuận để làm mô hình này và nhận thấy thanh long, dưa lưới là hai loài cây thích hợp nhất với năng suất cao, chất lượng tốt khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Đến nay, trang trại có 16 nhà màng trồng dưa dưới và 2ha thanh long trồng theo giàn. Trong tương lai trang trại mở rộng từ 20-30 ha trồng dưa lưới, và đây sẽ là một trong những vùng dưa lưới công nghệ cao lớn nhất Việt Nam.
Theo oong Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và đang kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Bình với tổng diện tích hơn 2.000 ha.
Mục tiêu của khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tư vấn, chuyển giao công nghệ và phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao… phục vụ cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung bộ và tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, với tiềm năng lợi thế về đất đai, tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt từ 6 - 7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận.
Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận ban hành nhiều chính sách ưu đãi như: tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; khuyến khích các liên liên kết trong sản xuất- chế biến – tiêu thụ nông sản…