Đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động du lịch cả nước nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng. Tuy nhiên để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa đưa hoạt động du lịch ổn định, năm 2021, ngành Du lịch Bình Thuận tập trung phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, từng bước tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2021, Bình Thuận đặt ra mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm hơn 90% và doanh thu du lịch phấn đấu đạt 15.500 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, việc kiểm soát dịch tốt là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, ngành Du lịch Bình Thuận tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ kinh doanh du lịch phải phổ biến, tuyên truyền cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên, người lao động và khách du lịch cài đặt ứng dụng Bluezone. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn, phòng, chống dịch; có đường dây nóng cơ sở y tế tại nơi đón tiếp khách, các khu vực công cộng, phòng ngủ của khách. Cùng với việc tổ chức đo thân nhiệt cho nhân viên, du khách, bố trí bồn rửa tay hoặc cung cấp các sản phẩm rửa tay khô, các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ kinh doanh du lịch chỉ tổ chức các dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, số lượng người…
Song song đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2022 của tỉnh; tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia”… Ngành Du lịch phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện Quy hoạch phương án phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, các khu, điểm, chuỗi phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh gắn với tổng thể du lịch của vùng và cả nước thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển các sản phẩm mới, độc đáo để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tại địa phương, nhất là loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; các loại hình dịch vụ bổ trợ, giải trí về đêm… Cùng với việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp du lịch chủ động xây dựng nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút du khách với giá cả bình ổn, được niêm yết; đảm bảo an toàn đuối nước, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng ngành Du lịch Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực vượt khó. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và sự nỗ lực đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, từng bước tháo gỡ khó khăn, Bình Thuận vẫn đảm bảo là điểm đến an toàn cho du khách trong nước.
Việc xây dựng “điểm đến an toàn” được ngành Du lịch Bình Thuận đặt lên hàng đầu. Bộ tiêu chí hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới được ban hành trong khắp các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ kinh doanh du lịch trong toàn tỉnh. Trên cơ sở Bộ tiêu chí đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Y tế và các ngành, địa phương có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí đảm bảo phòng chống dịch và cấp nhãn dán nhận diện an toàn cho các cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Lan Ngọc cho biết, Bình Thuận là địa phương tiên phong thực hiện cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Điều này giúp du khách có thể nhận diện và hiểu được các cơ sở nào thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách đồng thời giúp các đơn vị lữ hành có cơ sở khi thực hiện chương trình quảng bá, giới thiệu “tour” đến với du khách.
Mặc dù đối mặt với một năm đầy khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch tại Bình Thuận đã nêu cao tinh thần đoàn kết, không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cả về giá mà còn liên kết xây dựng các chương trình kích cầu thị trường nội địa như chương trình “Oh Wow! Mũi Né”, “Người Bình Thuận đi du lịch Bình Thuận”… Cùng với đó, những chính sách của Chính phủ đã kịp thời, hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp du lịch nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung vượt qua phần nào khó khăn như: chính sách giãn thời gian trả nợ vay, tiền thuê đất, giảm tiền điện, một số chính sách về thuế…
Năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Bình Thuận là 3,2 triệu lượt, đạt 46% so với kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 9.400 tỷ đồng (giảm 38% so với năm 2019). Kết quả trên mặc dù chưa được như kỳ vọng nhưng nó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp… trong việc phục hồi ngành Du lịch.
Hồng Hiếu