Bình Phước: Tạo kế sinh nhai cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng biên

Ngày 5/8, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước phối hợp với Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) tổ chức cấp con giống, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập.

Đợt này theo Chương trình giảm nghèo 1.000 hộ nghèo của tỉnh Bình Phước, có 42 máy phát cỏ, 1 máy cưa và 18 bình phun thuốc bằng điện được trao cho các hộ dân ở xã Phước Minh, Đa Kia, Bình Thắng.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) năm 2020, có 22 bình xịt thuốc, 22 máy phát cỏ và 18 con bò giống được trao cho các hộ dân tại xã Phú Văn, Phước Minh và Đa Kia.

Các nông cụ, con giống được cấp theo đăng ký nguyện vọng của các hộ dân. Trước đó, chính quyền địa phương đã tư vấn cho các hộ chọn nông cụ, con giống phù hợp, nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp tùy theo đặc điểm từng vùng.

Có mặt tại buổi nhận con bò giống, anh Điểu Lồng ở xã Phước Minh vui mừng cho biết: “Hôm nay được lên nhận bò giống tôi cũng như gia đình vui mừng lắm. Có con bò giống này, chúng tôi sẽ chăm sóc cẩn thận như sự hướng dẫn của cán bộ thú y để có thêm thu nhập sau này, ổn định cuộc sống hơn”.

Ông Điểu Giang ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn được nhận một máy phát cỏ và bình phun thuốc bằng điện rất phù hợp với hộ gia đình có nhiều diện tích trồng cây điều. Ông Giang cho biết: “Có máy phát cỏ và bình phun thuốc này sẽ giúp tôi chăm sóc rẫy thuận lợi hơn trước. Từ nay, tôi không phải đi mượn máy, nông cụ của bà con hàng xóm nữa. Ngoài ra, nông cụ này sẽ giúp tôi chủ động hơn trong việc nhận việc đi làm thuê”.

Không chỉ hai hộ dân trên mà tất cả hộ dân trong ngày được nhận bò giống, nông cụ đã rất phấn khởi khi được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Đây là những gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; được chính quyền địa phương rà soát đủ tiêu chí để nhận máy phát cỏ, bình phun thuốc, bò giống...

Theo ông Ma Ly Phước, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, những hộ được hưởng từ chương trình phải cam kết không bán cho người khác nhằm đảm bảo việc cấp máy móc, nông cụ, con giống mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống. Việc cấp nông cụ, vật tư, con giống sẽ góp phần đẩy lùi nạn cầm cố, sang nhượng đất, bán điều bông, vay nặng lãi... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, hộ khó khăn ở các địa phương của tỉnh.

K GỬIH

Tin liên quan

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ nguồn vốn chính sách

Ngày 16/8, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các sở, ngành liên quan đã tham dự Hội nghị.


Nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi cho đồng bào dân tộc

Để nguồn vốn tín dụng của Nhà nước nhanh chóng đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đến nay, tỉnh Lai Châu đã tổ chức được mạng lưới các điểm giao dịch tại tất cả các xã, phường, thị trấn với 1.492 tổ tiết kiệm và vay vốn.



Đề xuất