Bình Phước phát triển kinh tế xanh

Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, phát kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu. Xu hướng này phù hợp với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng " (Net Zero)" vào năm 2050.

vna_potal_buoi_long_tan_binh_phuoc_duoc_cap_chung_nhan_globalgap_7175151.jpg
Trái bưởi của Hợp tác xã cây ăn trái Long Tân (xã Long Tân, huyện Phú Riềng, Bình Phước) được cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn GlobalG.A.P. Ảnh: TTXVN phát

Hướng đến "xanh hóa nền kinh tế"

Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên trên 6.800 km2, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 110 km, có vị trí nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, giữ vai trò chiến lược, quan trọng trong hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, đặc biệt là với Campuchia, Lào, Thái Lan.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm hiện tại, khi các hoạt động kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu hướng đến các địa phương có kết nối xa hơn. Bình Phước, nơi cửa ngõ kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn.

Trong khi hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của các địa phương trong vùng như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đang chịu nhiều áp lực thì Bình Phước được xem như địa bàn chuyển tiếp cho quá trình lan tỏa phát triển.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, kết nối giao thông liên vùng sẽ mở ra cơ hội để có thể đưa Bình Phước từ địa phương "dự trữ phát triển" của vùng Đông Nam Bộ, trở thành một "động lực phát triển" của Vùng.

Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - Bình Phước diễn ra ngày 12/3 vừa qua, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cho rằng Bình Phước cần hướng đến "xanh hóa" nền kinh tế để phát triển một cách bền vững.

Ông Sergio Pereira da Silva - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha -Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng phát triển bền vững không phải là trách nhiệm duy nhất của bất kỳ ngành nghề nào mà là nỗ lực chung của toàn bộ nền kinh tế.

"Tỉnh Bình Phước đã đề ra kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, thể hiện những nỗ lực cho phát triển bền vững, hướng tới thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và có nền kinh tế dựa vào công nghiệp sạch vào năm 2050. Điều này phù hợp với cam kết tại COP26 nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050" ông Sergio Pereira da Silva chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế của EuroCham, đánh giá cao định hướng phát triển của tỉnh Bình Phước hướng tới năng lượng tái tạo, ưu tiên các nguồn tài nguyên khổng lồ và tiềm năng kinh tế cao như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Với tổng số giờ nắng khoảng 2.500 giờ/năm, Bình Phước có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời với những dự án quy mô lớn hàng nghìn MW đang vận hành, và vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục khai thác. Theo tinh thần của Quy hoạch Điện VIII, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc tỉnh Bình Phước đã xem xét phát triển năng lượng mặt trời mái nhà theo mô hình tự sản tự tiêu và mô hình điện "sau công tơ" để truyền năng lượng từ công ty này sang công ty khác là một trong những kế hoạch hành động ưu tiên trong giai đoạn 2024-2030.

Điều này được thể hiện bằng mục tiêu Bình Phước đặt ra, đến năm 2030 có 50% tòa nhà văn phòng và 50% nhà ở sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản xuất, tự dùng, góp phần giảm giá thành, tận dụng bức xạ nhiệt cao để không phụ thuộc vào lưới truyền tải.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng. Để thúc đẩy ngành kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, Bình Phước cần hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến; thu hút đầu tư cho chế biến sâu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đồng bộ các chính sách để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, hướng tới hoàn thành mục tiêu Net Zero vào 2050.

Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á, kiêm Chủ tịch EuroCham Việt Nam, nhận định Bình Phước trong tương lai cần ưu tiên tăng trưởng xanh. Để đảm bảo việc tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường, không chỉ chính phủ mà cả người tiêu dùng điện đều nên cấp thiết tham gia tích cực vào mục tiêu tăng trưởng xanh. Khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió, hướng đến để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy năng lượng sạch hơn.

Đưa nông sản tiếp cận thị trường 500 triệu dân

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, quy hoạch tỉnh Bình Phước đến năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại quy hoạch này chỉ rõ phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái. Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng với lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng và màu mỡ, Bình Phước đang thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình đã thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú. Việc ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao, sẽ là cơ hội phát huy các lợi thế so sánh, tạo các chuỗi giá trị, hướng đến các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, điều này phù hợp với yêu cầu của thị trường EU.

Theo ông Gabor Fluit, thời gian tới Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo bước đột phá cho Bình Phước. "Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU"; ông Gabor Fluit nhận định và khuyến nghị, đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bình Phước cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện nhằm gia tăng giá trị chế biến; việc áp dụng các phương pháp tốt nhất trong chăn nuôi, cải thiện các giải pháp tài chính, nâng cao hiệu quả và năng suất, sẽ giúp phát huy tiềm năng chưa được khai thác và tạo ra những cơ hội phát triển mới của tỉnh Bình Phước.

Trong khi đó, ông Jesper Clausen - Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản (FAABS) thuộc EuroCham, cho rằng việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của châu Âu sẽ là một quá trình đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều bên liên quan khác nhau. Tuy nhiên, với cách tiếp cận này, Việt Nam và Bình Phước có thể định vị những lợi thế để có thể tận dụng tối đa những lợi ích của EVFTA, đảm bảo sự an toàn và bền vững của nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường EU.

Tỉnh Bình Phước hiện có 424.754 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp; trong đó, cây cao su và điều đứng đầu cả nước. Cụ thể, cây cao su có diện tích 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây điều có diện tích 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cây cà phê diện tích 13.963 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu diện tích là 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước). Bình Phước có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, giữ vị trí đứng đầu cả nước, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu hạt điều những năm gần đây đạt hơn 1 tỷ USD/năm.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò chiến lược của nông nghiệp và yêu cầu tỉnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó, tập trung vào một số vấn đề như hợp tác, liên kết, phát triển thị trường, chế biến tinh, tăng chất lượng, giảm chi phí. Đặc biệt, phải chuyển từ sản xuất, phát triển đơn ngành sang phát triển liên ngành, đơn giá trị sang mục tiêu đa giá trị.

Sỹ Tuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm